Friday, July 22, 2016

PHI LUẬT TÂN VÀ MỸ CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC ?

Mỹ, Philippines có thể làm gì để buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết về Biển Đông?

Dân trí - Philippines, với sự hỗ trợ của luật pháp quốc tế và cam kết của Mỹ nhằm ủng hộ đồng minh và duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, có thể sẽ khiến Trung Quốc buộc phải thực thi phán quyết của tòa trọng tài.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AFP)
Tòa trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc tại La Hay (Hà Lan) ngày 12/7 đã ra phán quyết rằng yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở.
Giới quan sát cho rằng, phán quyết là một đòn pháp lý giáng vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Quốc tế trong đó có Mỹ, Nhật Bản đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn lớn tiếng nói rằng không công nhận phán quyết và sẽ tiếp tục trắng trợn xây dựng ở Biển Đông.
Mặc dù vậy, tờ National InterestThời báo Phố Wall mới đây đã đăng tải ý kiến chuyên gia về các cách thức mà Mỹ và Philippines có thể dùng để buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AFP)
Philippines có thể làm gì?
Thời báo Phố Wall dẫn phân tích của thẩm phán Philippines Antonio T. Carpio thuộc Tòa Án Tối Cao Philippines cho rằng, không có một lực lượng "cảnh sát quốc tế" nào tồn tại để có thể ép buộc Trung Quốc tuân thủ theo phán quyết, nhưng Philippines vẫn
có thể áp dụng các biện pháp để buộc Trung Quốc tuân thủ.
Theo ông, nếu một công ty dầu khí Trung Quốc mang giàn khoan vào khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines để thăm dò hay khai thác, Philippines có thể kiện ra tòa án tại một nước mà công ty này có tài sản, ví dụ như Canada, một thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Phía Philippines có thể cho tòa án tại Canada thấy rằng vùng biển mà công ty Trung Quốc đang khai thác thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và yêu cầu tòa án Canada ra lệnh tịch thu tài sản của công ty đó ở Canada để bồi thường cho Philippines.
Ngoài ra, Philippines cũng có thể trực tiếp buộc Trung Quốc bồi thường. Điều này bởi lẽ phán quyết chỉ ra rằng các hoạt động nạo vét của Trung Quốc đã gây những tổn hại không thể bù đắp cho hệ sinh thái biển tại một số khu vực thuộc thềm lục địa của Philippines. Việc bồi thường này cũng là chiểu theo Luật biển.
Philippines cũng có thể yêu cầu Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế, một cơ quan thuộc UNCLOS, treo 4 giấy phép đã cấp cho Trung Quốc trong việc khai thác các vùng thuộc hải phận quốc tế. Trung Quốc là một trong những nước đã thông qua UNCLOS, đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải chấp nhận cả việc được hưởng lợi từ UNCLOS cũng như việc phải tuân thủ các quy định của UNCLOS.
Theo ông Carpio, về lâu dài, phán quyết của tòa trọng tài sẽ được thực thi bởi thế giới sẽ không bao giờ chấp nhận một quốc gia nào đó tuyên bố chủ quyền gần như trọn vẹn vùng biển giáp ranh với nhiều quốc gia khác.
Mỹ cũng có thể buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết
(Ảnh minh họa: Getty)
(Ảnh minh họa: Getty)
Trong khi đó tờ National Interest dẫn nhận định của chuyên gia phân tích chính sự quốc tế Anders Corr cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể hung hăng hơn với các hoạt động bồi lấp, cải tạo trái phép ở Biển Đông sau phán quyết, song Mỹ hoàn toàn có thể hành động để buộc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết. Chuyên gia này chỉ ra 3 bước rõ ràng mà Mỹ có thể áp dụng.
Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Barack Obama cần duy trì quan điểm ủng hộ mạnh mẽ không chỉ Philippines mà còn với các nước bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Theo đó, Mỹ nên lập tức điều chuyển lực lượng hải quân phối hợp với Hải quân Philippines bảo vệ bãi cạn Scarborough - khu vực bị Trung Quốc chiếm đóng năm 2012 và có thể trắng trợn xây căn cứ quân sự trong thời gian tới.
Thực tế, phán quyết của tòa nhấn mạnh hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp, là đơn phương thay đổi hiện trạng ở vùng biển này, và hiện giờ việc cần thiết là gây sức ép đối với Trung Quốc.
Thứ hai, các thượng nghị sỹ Mỹ nên phê chuẩn UNCLOS để tạo thêm cơ sở để Mỹ ủng hộ Philippines và các nước ASEAN trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Thứ ba, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cần đảm bảo rằng Philippines sẽ không bị ảnh hưởng về mặt kinh tế nếu Trung Quốc rút đầu tư và thương mại khỏi nước này để trả đũa. Trong trường hợp này, Mỹ có thể sẽ hỗ trợ bằng các khoản đầu tư và thương mại mới để bù đắp lại cho Philippines.
Hiện Philippines đã thẳng thừng từ chối đề nghị đàm phán song phương với Trung Quốc với điều kiện do Bắc Kinh đặt ra là phải phớt lờ phán quyết "đường chín đoạn". Trong cuộc họp nội các diễn ra cùng ngày khi tòa ra phán quyết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hoan nghênh việc Mỹ đưa các tàu hải quân đến nước này.
Minh Phương
Tổng hợp