Monday, September 30, 2019

RẠNG DANH NGƯỜI VIỆT TRÊN ĐẤT NHẬT

  Fr: Ann Nguyen

Người Việt được Nhật Hoàng khen ngợi: Thi ân không cần đáp trả và niềm tin vào sứ mệnh giúp người

Thuần Dương | Đại Kỷ Nguyên  28/09/19
                 Người Việt được Nhật Hoàng khen ngợi: Thi ân không cần đáp trả và niềm tin vào sứ mệnh giúp người
Ông Trần Ngọc Phúc là Chủ tịch Hội người Việt tại Nhật Bản, đồng thời cũng là Tổng Giám đốc công ty Metran được Nhật Hoàng đích thân tới thăm và khen ngợi. Dù thành công vang dội với phát minh làm thay đổi ngành y Nhật Bản và thế giới, nhưng ông vẫn luôn khiêm nhường, bởi trong tâm luôn có một niềm tin.

Ông Phúc rời quê hương sang Nhật du học từ khi còn là cậu thanh niên 21 tuổi. Trong thời loạn lạc, giữa lúc đất nước và gia đình xoay vần trong dòng chảy dữ dội, ông đã mất hoàn toàn liên lạc với gia đình và mãi cho tới 18 năm sau mới được gặp lại họ. Từ một cậu thanh niên trong gia đình gia phong nề nếp, được bao bọc, cậu thanh niên trẻ đã mất hoàn toàn điểm tựa gia đình và phải bươn chải một mình nơi đất khách.
Nhưng trong gian khó, Trần Ngọc Phúc luôn giữ được sự thiện lương được thừa hưởng từ gia đình Phật tử xứ Huế. Kiên trì, bền chí và luôn giữ mục đích trong sáng từ khi bắt đầu đi trên con đường riêng của mình, ông đã thành công và khẳng định được triết lý kinh doanh cũng như triết lý nhân sinh vị tha là cách thành tựu chân chính và bền vững nhất.
Cứu giúp “thiên thần”
Dù học chuyên ngành hóa công nghiệp, nhưng do tình cảnh khó khăn khi thế giới đang trải qua cơn khủng hoảng dầu mỏ, ông được trường giới thiệu đến thực tập tại hãng chế tạo thiết bị y khoa. Trong những năm tháng thực tập tại các bệnh viện, nhìn thấy những em bé sinh non quá ít tháng phải thoi thóp giành giật sự sống, Thiện tâm của ông Phúc đã được hối thúc để cứu giúp những sinh linh bé bỏng này.
Trong thước phim tài liệu “Lý do tôi sinh ra” của đài truyền hình Việt Nam, ông đã nói về cảm giác của mình khi thấy các em nhỏ sinh non: “Đây là thiên thần xuống trần gian nhưng bị gãy cánh, thì mình phải làm sao cho thiên thần này có cuộc sống thoải mái ở trần gian này”.
Ông quyết tâm chế ra một chiếc máy thở phù hợp với lá phổi mỏng manh của các cháu bé mà trên thế giới chưa từng có. Phổi của trẻ sinh thiếu tháng chưa hoàn thiện, vì vậy máy trợ thở thông thường có thể khiến khí quản các bé bị phình to mà không khí không thể vào phổi. Hơn nữa nếu dùng máy trợ thở không phù hợp, lượng oxy vượt quá mức cho phép sẽ gây biến chứng mù mắt.
Năm 1984, ông đã thành lập công ty Metran Co.Ltd, cho ra đời chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation) đầu tiên trên thế giới dành cho trẻ sinh thiếu tháng. Cho đến nay, 90% các bệnh viện, trung tâm y tế lớn của Nhật Bản đã trang bị máy HFO của ông Phúc và nó cũng đã có mặt tại nhiều nơi trên thế giới như Đức, Anh, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Costa Rica, Mexico…
Động cơ trong sáng và triết lý “thi ân”
Ông Trần Ngọc Phúc đón Nhật Hoàng đến thăm công ty (ảnh: Nvcc).
Giữa rất nhiều doanh nghiệp thành công của Nhật Bản, công ty của ông Phúc đã được Nhật Hoàng chọn tới thăm vào tháng 7/2012. Ông Phúc là người duy nhất được đi cạnh Nhật Hoàng suốt thời gian đó để giới thiệu về Metran và HFO. Ông đã rất ấn tượng với sự tinh tế và ân cần, nhẹ nhàng cũng như sự hiểu biết của Nhật Hoàng. Và những người khiêm nhường, ý nhị đều dễ dàng nhận ra nhau, Nhật Hoàng cũng đã cảm ơn ông Phúc vì đã lặng lẽ đặt một chiếc ghế ở chiếu nghỉ để cho Ngài có thể nghỉ chân nếu thấy mệt do leo cầu thang.
Có lẽ triết lý kinh doanh vì người khác của ông Phúc cũng là một lý do để Nhật Hoàng lựa chọn tới thăm doanh nghiệp của một người gốc nước ngoài như ông.
“Tôi nghĩ, cuộc sống của chúng ta có được hiện nay là do mối tương quan với nhiều người. Và bạn sẽ đối xử như thế nào với người mà bạn gặp lần đầu tiên? Thi ân (*) mà không cần đáp trả. Đây là điều tôi đã học được từ cha mẹ tôi”.
Ông Phúc đã nói như vậy, và nó giải đáp phần nào việc ông quyết định đi con đường khó khăn để làm việc chưa ai trước đây.
Để có được chiếc máy thở cho trẻ sinh non, ông đã phải tìm hiểu, hỏi han rất nhiều các đồng nghiệp. Ở một đất nước coi tiêu chí an toàn là hàng đầu, lĩnh vực ông nghiên cứu động chạm tới sinh mệnh của những em bé có tỷ lệ tử vong rất cao, nên ông nhận ra rằng người Nhật không sản xuất máy hô hấp nhân tạo vì mức độ rủi ro của nó. Vừa dấn thân vào một lĩnh vực quá khó, lại là người nước ngoài, ông Phúc đã phải trải qua nhiều khó khăn, nhưng sự chân tình và cởi mở đã giúp ông có thêm nhiều người bạn Nhật thân thiết hỗ trợ. Như ông Yuichi Mizutani từng là thầy của ông Phúc thời ông mới đi làm, giờ lại đang là nhân viên ở công ty Metran.
Ông Phúc tự ví mình như chiếc máy cày, còn những người thành công khác như những chiếc tàu hỏa siêu tốc Shinkansen. Chiếc máy cầy đi rất chậm và vừa đi vừa cầy bừa, dọn dẹp chướng ngại vật để tạo ra con đường cho mình. Không chỉ khó khăn ở thời điểm bắt đầu, sau này khi đã có công ty phát triển tốt, ông lại gặp khó khăn khi cổ phần hóa công ty. Những người đầu tư đã thực hiện phương châm kinh doanh tối đa hóa lợi nhuận, trong khi ông muốn doanh nghiệp “cứu giúp sinh mệnh” này phải tôn trọng tuyệt đối triết lý kinh doanh “thi ân không cần đáp trả”. Vì thế dù có phải chật vật vay mượn, ông cũng quyết mua lại toàn bộ cổ phần để giữ được con đường đi chân chính cho Metran.
                         
Ông Trần Ngọc Phúc giới thiệu về sản phẩm của với Nhật hoàng (ảnh: Nvcc).
“Với tôi, kinh doanh cũng như là tập kiếm đạo vậy. Là đạo, nên không phải vấn đề kỹ thuật không, mà cách suy nghĩ, đạo đức đều nằm trong đó hết. Mình phải có sự trung tín, nghĩa là luôn luôn có lòng trung thành với mục đích cao cả, với đạo lý và giữ chữ tín ở đời, dù có gặp khó khăn thế nào đi chăng nữa”.
“Mục đích cuối cùng của mình là làm sao để cứu những trẻ em đang cần phải cứu. Vấn đề lợi tức và đạo đức khi nào cũng phải cân bằng trong đó. Đó mới là kinh doanh”, ông Phúc trải lòng trong bộ phim “Lý do tôi sinh ra”.
Ông nói mình đã học được tinh thần của người Nhật, khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm rất tinh xảo, chu đáo và nghĩ đến cảm nhận của người khác dù trong những chi tiết nhỏ nhất.
Có lẽ thiện tâm được thừa hưởng từ gia đình có đức tin và hướng thiện của ông Phúc đã cộng hưởng với triết lý về “con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” của các doanh nhân Nhật Bản nổi tiếng, nên Metran đã được chính phủ Nhật Bản ghi nhận. Tháng 12/2017, Metran Co.Ltd vinh dự được công nhận là “Doanh nghiệp đóng vai trò động lực tăng trưởng tương lai của khu vực”.
Niềm tin vào sứ mệnh
Lý giải cho những thành công của mình, ông có một câu giản dị thế này: “Tôi là người sinh ra thiếu tháng. Có thể đó là lý do để tôi đến với công việc làm những máy móc cứu trẻ sinh non”.
Đó là sự khiêm nhường khi không nhận hết thành công là do tài năng của bản thân. Ông lý giải rằng mình có sứ mệnh làm việc này, người có sứ mệnh thì luôn phải nỗ lực không ngừng và cho rằng thành công là kết quả của nỗ lực và niềm tin. Đó giống như việc ta có một lời hứa phải hoàn thành, một việc được giao và những công cụ, thế mạnh được ban cho để hoàn thành nhiệm vụ. Đặt mình ở vị trí nhận lấy trách nhiệm, sẽ cho ta tâm thế khiêm nhường hơn hẳn việc đặt mình ở thế khai sáng, thừa nhận thành tựu là do tài năng.
Với cách nghĩ như thế, ta sẽ thấy con đường mình phải đi, kiến thức và tài năng mình có được đều là để thực hiện sứ mệnh thi ân. Thế nên sẽ không tự hào rằng vì ta giỏi nên mới có được ngày hôm nay. Mà thay vào dó, ta hiểu rằng thành công này là một nhiệm vụ và phải dùng những gì mình có được một cách chân chính và thành kính nhất. Thành công nếu đều gắn với việc làm vì người khác, thì sẽ luôn có con đường rộng lớn và vững chắc nhất để tiến lên.
(*) – thi ân (施恩): nghĩa là làm ơn cho người khác.
https://www.dkn.tv/van-hoa/nguoi-viet-duoc-nhat-hoang-khen-ngoi-thi-an-khong-can-dap-tra-boi-do-la-su-menh-giup-nguoi.html