Thụy My/RFI
Tân Hoa Xã cho biết, Trung Quốc hôm nay 22/06/2015 khánh thành một tuyến đường bộ nối liền Ấn Độ với núi Kailash của Tây Tạng, một trong những địa điểm hành hương thiêng liêng nhất của Ấn giáo và Phật giáo.
.
Một nhóm người hành hương đã vượt qua ngọn đèo đầu tiên của rặng núi Himalaya vào buổi trưa, để tiếp tục cuộc hành trình 12 ngày về phía đỉnh non thiêng.
Việc mở đoạn đường đèo này được cho phép vào năm ngoái, trong dịp ông Tập Cận Bình đến thăm Ấn Độ. Theo Tân Hoa Xã, sự mở cửa này nhằm « xúc tiến việc trao đổi về tôn giáo giữa hai nước ».
Núi Kailash (còn gọi là Gang Rinpoche) là một ngọn núi cao 6.714 mét chưa từng bị chinh phục, nằm trong dãy Himalaya, thuộc vùng Ngari của Tây Tạng, là nguồn của hai trong bốn con sông lớn nhất châu Á Indus và Sutlej.
Đây là ngọn núi thiêng của ba tôn giáo lớn : Ấn giáo, Phật giáo và đạo Bon - tôn giáo chính ở Tây Tạng trước khi Phật giáo xuất hiện. Đối với Ấn giáo, Kailash là biểu tượng của núi Meru, trung tâm hoàn vũ. Phật tử Tây Tạng và Bon coi ngọn núi này là nơi cư ngụ của hai vị thần tượng trưng cho sự hợp nhất của sức mạnh nam và nữ.
Năm 2001, chính phủ Tây Tạng lưu vong tố cáo Trung Quốc cho phép một đoàn thám hiểm Tây Ban Nha leo lên đỉnh núi thiêng Kailash, nhưng Bắc Kinh bác bỏ việc này.
2. Trung Quốc kéo dài tuyến đường xe lửa từ Tây Tạng đến biên giới Ấn Độ
Thanh Hà/RFIBộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (24/07/2014) thông báo mở rộng hệ thống đường sắt đến biên giới Nepal, Bhoutan và Ấn Độ. Dự án sẽ hoàn tất vào năm 2020. New Delhi và Bắc Kinh cùng khẳng định chủ quyền tại bang Arunachal Pradesh, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn/ Hymalaya.
Thông báo nói trên của Trung Quốc được đưa ra 1 ngày trước khi tân Ngoại trưởng Ấn Độ đến Bắc Kinh. Bắc Kinh là chặng đầu trong vòng công tác của bà Sushma Swaraj nhằm củng cố quan hệ giữ New Delhi với các quốc gia lân cận trong vùng núi Hymalaya.
Về phần mình, sau khi đắc cử, thủ tướng Modi đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Bhoutan và vào tháng tới ông sẽ viếng thăm Nepal.
Từ năm 2006 Trung Quốc đã khánh thành một tuyến đường sắt nối liền Bắc Kinh với thủ phủ Lhassa -Tây Tạng. Đây là một kỳ công khi biết rằng, con đường xe lửa đó được xây dựng ở một đô cao đôi khi lên tới 5000 mét. Vào tháng tới Trung Quốc sẽ khánh thành đoạn nối tiếp của hệ thống đường sắt này, đi từ Lhassa đến Shigatse, vẫn thuộc vùng tự trị Tây Tạng. Đây là nơi nhân vật chức sắc thứ nhì trong hàng ngũ các lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Ban Thiền Lạt Ma cư ngụ.
Theo kế hoạch, từ năm 2016 đến 2020, tuyến đường này sẽ được mở rộng thêm và chia ra làm hai nhánh. Nhánh thứ nhất đi tới sát biên giới Nepal. Còn nhánh thứ nhì được mở rộng tới đến tận cửa ngõ của Ấn Độ và Bhoutan.
Bản tin của AFP nhắc lại vào năm 1962 xung đột đã xảy ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền đối với vùng đất mà New Delhi gọi là thuộc bang Arunachal Pradesh, còn Trung Quốc thì coi đó là phía Nam Tây Tạng.
Từ tháng 10/2013 New Delhi và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận nhằm tránh để hiềm khích nói trên dẫn tới xung đột. Ấn Độ và Trung Quốc là hai cường quốc hạt nhân./.