Sunday, June 7, 2015

HOA HẬU NHẬT LÀM THAY ĐỔI CÁI NHÌN XÃ HỘI ?

Hoa hậu Nhật làm thay đổi cái nhìn xã hội?  Rupert Wingfield-HayesBBC News, Tokyo

Hoa hậu Nhật bản Ariana Miyamoto
Thoạt nhìn chính tôi cũng hơi lúng túng khi gặp Ariana Miyamoto. Cô cao và thật đẹp. Nhưng ý nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu khi tôi gặp người vừa được trao vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản là cô ấy nhìn không có vẻ Nhật Bản.

Chỉ trong vòng hai năm ở đây tôi rõ ràng bị xâm nhập bởi nhiều định kiến địa phương về khái niệm "Nhật Bản" có nghĩa là gì.
Sự bối rối lúng túng của tôi chấm dứt ngy khi Ariana cất tiếng nói. Đột nhiên tất cả mọi thứ về cô ấy thể hiện rõ rằng cô là người Nhật, từ giọng nói mềm mại nhỏ nhẹ của cô, cử chỉ tinh tế từ bàn tay và nét biểu hiện kín đáo trên khuôn mặt.
Tất nhiên Ariana là người Nhật. Cô sinh ra tại Nhật Bản và đã sống ở đây cả cuộc đời mình. Cô biết rất ít về quê hương cha cô ở Arkansas, Hoa Kỳ. Nhưng với nhiều người Nhật, và tôi thực sự muốn nhận mạnh là nhiều người Nhật, thì Ariana Miyamoto không phải là người Nhật Bản. Dù sao thì cũng không hoàn toàn là người Nhật.
Tại Nhật Bản những người như Ariana được coi là một "hafu", lấy từ chữ tiếng Anh "half - một nửa". Với tôi từ này nghe như một sự xúc phạm. Nhưng khi tôi hỏi, Ariana đã làm tôi ngạc nhiên khi cô bảo vệ từ này.
"Nếu không có từ hafu này thì sẽ rất khó để mô tả tôi là ai, tôi là người gì ở Nhật Bản," cô nói.
"Nếu tôi nói tôi là 'người Nhật' thì câu trả lời sẽ là: "Không, bạn không thể là người Nhật'. Người ta sẽ không tin như vậy. Nhưng nếu tôi nói tôi là' hafu ', mọi người đồng ý. Không có một từ nào giống như từ hafu ngoài nước Nhật..., nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần nó ở đây. Để những đứa trẻ lai như chúng tôi sống ở Nhật Bản, thì từ đó là không thể thiếu và tôi đánh giá cao từ đó."
Ariana Miyamoto, hoa hậu Nhật
Tại Nhật Bản việc Ariana thắng trong cuộc thi sắc đẹp đã được tiếp đón một cách yên ắng tới kỳ lạ. Trong khi truyền thông quốc tế gõ cửa nhà cô mỗi ngày, thì truyền thông Nhật Bản phần lớn đã phớt lờ cô.
"Tôi cảm thấy tôi được quan tâm nhiều từ nước ngoài," cô nói.
"Tôi trả lời phỏng vấn với giới truyền thông nước ngoài nhiều hơn so với truyền thông Nhật Bản. Khi tôi đi đường, chẳng người Nhật nào bước tới hỏi tôi cả, nhưng tôi lại được rất nhiều khách du lịch không phải người Nhật chúc mừng."
Trên mạng xã hội phản ứng khá pha trộn, trong đó nhiều người Nhật bày tỏ ủng hộ và vui mừng trong khi những người khác lại không và thậm chí còn có thái độ gay gắt.
"Chọn một hafu là Hoa hậu Nhật Bản mà ổn à?" một người viết trên twitter.
"Nó khiến tôi không thoải mái khi nghĩ rằng cô ấy đại diện cho nước Nhật", một người khác viết.
Ariana nói từ 'hafu' là cần thiết để hiểu những người như cô
Ở nhiều nơi khác trên thế giới thì bản sắc không còn được xác định bởi bề ngoài của bạn nữa.
Có những người Anh da trắng, da đen, gốc Á và gốc Trung Quốc, cũng như có bất kỳ những loại người Mỹ khác nhau. Nhưng Nhật Bản vẫn bám víu vào một định nghĩa rất hẹp về những gì có nghĩa là "Nhật Bản".
Một phần vì đây vẫn là một xã hội vô cùng đồng nhất. Những người nhập cư chỉ chiếm một phần trăm dân số Nhật Bản, và hầu hết những người này đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Nhiều thế kỷ cô lập cũng đã khiến Nhật Bản thấm đẫm ý thức về sự tách biệt.
Nhiều người dân ở đây thực sự tin rằng Nhật Bản là duy nhất, thậm chí khác biệt cả về di truyền so với phần còn lại của thế giới.
Khi vợ tôi, một người Nhật, có thai, một trong những người bạn của cô ấy đã chúc mừng với dòng chữ: "Người Nhật chúng ta có thai với một người nước ngoài không phải là chuyện dễ". Tôi đã không biết nên cười hay nên khóc.
Tất nhiên điều bí ẩn này là hoàn toàn vô lý. Người Nhật là một sự pha trộn sắc tộc, kết quả của những cuộc di cư khác nhau qua hàng ngàn năm, từ bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhưng điều bí ẩn đó lại bám rễ khá chắc và nó khiến sự khác biệt trở thành một khó khăn khi sống tại đây.
Hoa hậu Nhật Ariana Miyamoto Hoa hậu Nhật Ariana Miyamoto cho biết cô đã gặp phải những bình luận ác ý sau khi cô được trao vương miện.
Lớn lên trong một thành phố nhỏ ở miền tây Nhật Bản, Ariana đã chính mình trải nghiệm điều đó. Người bạn tốt nhất ở trường của cô đã tự sát trong một phần vì anh ta không thể chịu được việc luôn bị đối xử như một người ngoại đạo.
"Chúng tôi thường nói rất nhiều về khó khăn vì là hafu," cô nói.
"Ba ngày trước khi qua đời, anh ấy muốn nói về lý do tại sao chúng tôi lại bị tách biệt so với những người khác .
"Anh thường nói anh cảm thấy rất khó sống. Anh không nói được tiếng Anh. Mọi người thường tự hỏi tại sao anh lại không nói được tiếng Anh mặc dù ngoại hình của anh như vậy – anh trông như người nước ngoài đối với họ."
Việc Ariana thắng trong cuộc thi sắc đẹp, có lẽ, nó là một dấu hiệu cho thấy Nhật Bản, cuối cùng và từ từ, đang bắt đầu thay đổi. Đó chắc chắn là điều cô hy vọng, và rằng danh tiếng mới của cô có thể giúp những trẻ hafu khác.
 
miss Japan 2015
"Tôi nghĩ rằng người Nhật thích rập khuôn. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cần phải thay đổi điều đó," cô nói.
"Sẽ ngày càng có nhiều các cuộc hôn nhân quốc tế và sẽ có nhiều trẻ em lai hơn trong tương lai. Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta cần phải thay đổi cách suy nghĩ vì những đứa trẻ đó, vì tương lai của chúng."
Chắc chắn là cô đã nói đúng. Ariana Miyamoto là một phần của xu hướng ngày càng gia tăng ở Nhật Bản. Một trong 50 trẻ em sinh ra ở đây là trẻ em lai, và con số này là 20.000 trẻ em mỗi năm. Nhật Bản đang thay đổi. Nay liệu nước Nhật sẽ phản ứng thế nào nếu Ariana Miyamoto nâng vương miện Hoa hậu Hoàn vũ thế giới? http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/06/150605_miss_universe_japan

Chuyện của Miyamoto - Hoa hậu da đen đầu tiên của Nhật Bản

Miyamoto là một trong nhóm nhỏ “hafu”, từ chỉ những người Nhật Bản có dòng máu lai. Giành chiến thắng một cuộc thi sắc đẹp lớn tại Nhật Bản. Cô cũng là phụ nữ lai dòng máu da đen đầu tiên đạt được danh hiệu này.
Khi Ariana Miyamoto trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản 2015, khán giả bị mê hoặc bởi một người đẹp quyến rũ, nụ cười hớp hồn và vẻ tự tin vượt qua cái tuổi 21 của cô. Tuy nhiên, không phải vẻ đẹp hay sự đĩnh đạc là thứ duy nhất khiến cả đất nước quan tâm đến cô.
Miyamoto sẽ trở thành đại diện cho nước Nhật trên sân chơi quốc tế tổ chức tại tháng 1 năm sau. Cô phát biểu rằng sự xuất hiện của cô, hay xa hơn, một chiến thắng, sẽ giúp người Nhật chấp nhận những hafu. Mặc dù vậy, cô nói thêm, có lẽ Nhật Bản sẽ cần phải có thêm thời gian để thay đổi.
Thậm chí kể cả sau khi giành chiến thằng trong cuộc thi quốc gia, những tờ báo của xứ sở mặt trời mọc vẫn tỏ ra không chấp nhận cô như một người Nhật.
“Cánh phóng viên thường hỏi tôi, “Phần nào của bạn giống người Nhật nhất?”. Câu trả lời của tôi đó là: "Tôi là một người Nhật Bản", Miyamoto chia sẻ.
Ariana Miyamoto cho biết cô muốn cho mọi người biết sự khó khăn của cô cũng như những người lai khác tại Nhạt Bản. “Tôi sinh ra và lớn lên tại Nhật, đây là quê hương của tôi. Tôi mong rằng với chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Nhật Bản, mọi người sẽ chú ý tới điều đó”, Miyamoto chia sẻ.
Mong muón của Miyamoto sẽ phải cần thêm thời gian. Sau khi cô đoạt vương miện, nhiều người đã gửi tin nhắn online để chỉ trích ban tổ chức vì đã lựa chọn một người trông “không giống người Nhật”.
“Một người đoạt vương miện hoa hậu Nhật Bản ít nhất cũng phải có gương mặt giống người Nhật chứ?”, một người chỉ trích.
Cũng đã có đông đảo người Nhật ủng hộ cô: “Tại sao một công dân Nhật Bản, sinh ra và lớn lên ở đây, không thể được coi như một người Nhật?”. một ý kiến chia sẻ.
Miyamoto là kết quả của mối tính giữa một thủy thủ hải quân Mỹ gốc Phi với một phụ nữ Nhật Bản. Cô lớn lên tại Nhật, những đứa trẻ xung quanh thường xa lánh cô vì nước da đen và mái tóc xoăn.
Những trải nghiệm đó thúc đẩy cô giành chiến thắng trong cuộc thi sắc đẹp để mọi người quan tâm hơn tới những khó khăn mà người lai phải đối mặt tại Nhật Bản, quốc gia vẫn luôn coi mình là một chủng tộc đơn nhất. 
“Đến tận ngày nay, tôi vẫn thường bị coi là không phải người Nhật. Tại nhà hàng, mọi người đưa cho tôi thực đơn bằng tiếng Anh và khen ngợi tôi khi tôi ăn bằng đũa. Tôi muốn thay đổi định nghĩa “người Nhật” trong mắt mọi người”, Myamoto chia sẻ bằng một thứ tiếng Nhật rõ ràng.
Câu chuyện của Miyamoto nổi lên vào thời điểm nhạy cảm, khi vấn đề sắc tốc đang được quan tâm tại Nhật Bản.
Đài truyền hình Fuji từng lên kế hoạch tổ chức một chương trình ca nhạc trong đó có sự góp mặt của một nữ ca sĩ da đen. Chương trình sau đó bị hủy vì áp lực của những nhóm phân biệt chủng tộc. Trong chính phủ, cũng có những chính trị gia phân biệt chủng tộc cực đoan như vậy.
Với chiến thắng của Miyamoto, nhiều người hy vọng Nhật Bản sẽ dần chấp nhận mình như một quốc gia đa sắc tộc. Tại Nhật Bản, một số “hafu” cũng đã dành được những thành công nhất định và được nhiều người biết đến, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao và truyền hình.
Dù số lượng “hafu” chỉ chiếm một nhóm nhỏ trong dân số Nhật, đó lại là nhóm đang tăng trưởng nhanh. Theo Bộ Y tế Nhật, khoảng 20.000 trẻ em có cha hoặc mẹ không phải người Nhật được sinh ra hàng năm, chiếm 2% tổng lượng sinh.
“Ariana đã cho chúng tôi cơ hội để chống lại những định kién cũ về việc một người Nhật phải “trông giống như một người Nhật”, Megumi Nishikura, cô gái mang trong mình cả dòng máu Nhật Bản và Ai len – Mỹ nhận định. Cô đang là một nhà làm phim và đồng đạo diễn bộ phim tài liệu “Hafu” được ra mắt năm 2014.
Miyamoto cho biết, một mất mát cá nhân đã thúc đẩy cô tham dự cuộc thi Hoa hậu. Bạn cô, một người Nhật lai dòng máu Mỹ da trắng, đã treo cổ vì cảm thấy chán nản khi không thể nói được tiếng Anh, nhưng lại chẳng có đặc điểm nào giống người Nhật.
“Cậu ấy nói chẳng có nơi nào cậu ấy cảm thấy như ở nhà”, Miyamoto cho biết. “Tôi nghĩ rằng nếu tôi chiến thắng, nó có thể khuyến khích mọi người hiểu rằng không phải tất cả người Nhật đều trông giống nhau. Đây vẫn sẽ là nhà của chúng tôi”.
Bản thân Miyamoto cũng từng phải chịu đựng sự dèm pha và nói xấu khi lớn lên tại Sasebo, nơi gia đình mẹ cô đã nuôi cô sau khi cha cô rời khỏi Nhật Bản lúc cô vẫn còn là trẻ sơ sinh.
Ở trường, những đứa trẻ khác, thậm chí cả cha mẹ chúng gọi cô là “kurombo”, từ tiếng Nhật tương đương với từ “mọi đen”. Những bạn học cùng lớp không muốn chạm tay vào cô vì sợ màu da của cô sẽ truyền sang cho chúng.
“Tôi đã từng về nhà và giận dữ với mẹ. Tôi hỏi mẹ. Tại sao trông con quá khác biệt như vậy”, Miyamoto kể lại.
Mọi thứ thay đổi khi Miyamoto 13 tuổi, lúc cô quyêt định đến gặp cha mình. Cha cô đã mời cô tới nhà tại Jacksonville, Ark. Miyamoto không bao giờ quên được khoảnh khắc lần đầu tiên nhìn thấy cha và họ hàng của mình.
“Họ có cùng một màu da và khuôn mặt giống tôi. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình là người bình thường”, cô nói.
Tại Mỹ, cô thường nói về bản thân như một người da đen. Nhưng tại Nhật Bản, cô vẫn gọi mình là một “hafu”.
Chiến thắng của Miyamoto đã lật đổ một hệ thống phân cấp “ngầm” từ lâu trong lòng nước Nhật, khi những người có làn da trắng hơn mặc nhiên được coi là đẹp nhất.
“Arian là Hoa hậu Nhật Bản được nhắc tới nhiều nhất từ trước đến nay”, Stephen Diaz, một nhà báo của Nhật Bản nhận đinh.
“Chúng ta đều nghĩ rằng đây là Nhật Bản. Họ sẽ không trao vương miện cho một phụ nữ da đen. Nhưng cô ấy đã vượt lên rất xa so với các thi sinh khác”.
Dù quãng thời gian sống cùng gia đình cha ở Mỹ giúp Miyamoto cảm thấy thoải mái hơn với nguồn gốc da đen của mình, nó cũng dạy cô rằng cô là người Nhật Bản.
Miyamoto sống 2 năm với gia đình ở Mỹ, theo học tại một trường trung học địa phương. Nhưng cô sớm gặp phải những khó khăn. Những khó khăn trong ngôn ngữ, bị đối xử như một người ngoại quốc bởi cả bạn học da trắng và da đen, cô cảm thấy nhớ nhà. Thức ăn Nhật Bản thật khó tìm thấy ở vùng làng quê Arkansas.
“Tôi sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. Đó là nơi tôi thuộc về”, cô nói.
Cuối cùng cô trở về Sasebo, chưa kịp hoàn thành trung học và làm việc như một bartender (người pha chế rượu). Cô mong rằng chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu sẽ giúp bản thân tiến vào con đường làm người mẫu, sau đó kiếm đủ tiền để theo học Đại học tịa Mỹ.
“Ariana có một câu chuyện đời tư mà không một ai tham dự cuộc thi hoa hậu có được”, Maki Yamaguchi, một thí sinh trong cuộc thi, và hiện là người tư vấn cho Miyamoto nhận định.
“Cô ấy là một nữ hoàng sắc đẹp với nhiệm vụ quan trọng: loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc”.