Ý nghĩa thâm sâu trong bức họa ‘Sự phán quyết cuối cùng’ của Michelangelo
“Sự phán quyết cuối cùng” là chủ đề
phổ biến trong hội họa cổ điển phương Tây, hầu hết các nhà thờ Thiên
Chúa đều có bức bích họa vẽ về chủ đề này, trong đó nổi bật nhất là bức
danh họa của Michelangelo.
Bức họa
trên tường có tên “Sự phán quyết cuối cùng” khắc họa hình ảnh Chúa Jesus
đứng trên mây nổi bật ở chính giữa. Với thần thái siêu phàm, Ngài giơ
cánh tay phải lên cao chủ trì phiên xét xử để đưa ra phán quyết, dẫn dắt
người thiện lên Thiên đàng. Lòng bàn tay trái của Ngài ấn mạnh xuống để
ngăn chặn tà ác, chỉ định những kẻ phạm tội bị đày xuống địa ngục, kẻ
bất lương sẽ gặp ác báo.
Cánh tay
phải của Ngài dường như chỉ cần vẫy nhẹ là trong chớp mắt sẽ đưa ra các
phán quyết cuối cùng cho thế gian, và mọi thứ sẽ được giải quyết. Trong
bố cục tuyệt vời này, lòng từ bi và sự uy nghi cùng tồn tại, từ đó nhìn
thấy sự vĩ đại của Thiên Chúa, giúp thế nhân hiểu được hậu quả của thiện
và ác.
Bởi nhân
loại được Thiên Chúa tạo ra theo cách riêng của Ngài, do đó mỗi hành
động tốt và xấu của con người đều luôn chịu sự giám sát của Chúa. Thiên
Chúa sẽ phán xét mọi thứ theo chính nghĩa vào ngày Đại thẩm phán cuối
cùng. Con người chịu đựng mọi đau khổ, tội lỗi ở trần gian là để gột rửa
bụi trần, đây là cách duy nhất giúp con người thoát khỏi nghiệp tội và
làm sạch tâm hồn trước khi đến gặp Đấng tối cao. Trong cuộc phán xét
cuối cùng, những người có tâm hồn trong sáng và trái tim chính nghĩa sẽ
sống đời đời bất tử và nhận được niềm vinh quang trọn vẹn từ Chúa, còn
những kẻ không tin vào Chúa, bất lương, bất thiện, thường hay làm điều
ác sẽ phải chịu đau khổ hoặc bị trừng phạt mãi mãi.
Thiên thần
với chiếc sừng dài trong bức tranh yêu cầu mọi người đều phải chịu phán
xét. Michelangelo cũng cho thấy phản ứng cảm xúc và thái độ của những
người bị xét xử trong Đại thẩm phán. Trong số đó, khuôn mặt sợ hãi và
hoảng loạn của những linh hồn có tội cho thấy nỗi tuyệt vọng và đau đớn
khi biết mình bị đày xuống địa ngục.
Một người
bạn của họa sĩ là Vasari kể lại: Khi Michelangelo đang vẽ bức bích họa
“Sự phán quyết cuối cùng”, Giáo hoàng Paul III và viên sĩ quan Cecina
đến thăm và thấy bức tranh vẫn còn đang dang dở. Đức Giáo hoàng khi đó
đã hỏi ý kiến Cecina, Cecina nói rằng bức tranh khỏa thân “không thể
được đặt trong đại lễ đường trang trọng, không thể được đặt trong nhà
thờ, chỉ phù hợp để trong nhà tắm công cộng và khách sạn”. Michelangelo
vô cùng tức giận, ông đã vẽ mặt quan tòa Minos giống mặt Cecina và thân
người bị con mãng xà quấn chặt. Cecina cầu xin cả Giáo hoàng và
Michelangelo nhưng rốt cuộc vẫn không thay đổi được việc này…
Không lâu
sau khi Michelangelo qua đời, Giáo hoàng đã yêu cầu vẽ quần áo hoặc vải
che lên những nhân vật khỏa thân. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ
năm 1980 đến 1992, khi tu sửa những bức bích họa bị ẩm ở Nhà nguyện
Sistine, phần quần áo vẽ thêm ấy đã bị xóa sạch, sau đó bức tranh tường
được khôi phục vào năm 1993 dưới sự giám sát của Bảo tàng Vatican.
Biểu
hiện của sự sợ hãi trong bản án cuối cùng khi kẻ tội lỗi bị linh hồn tà
ác kéo xuống địa ngục (ảnh: Sailko / Wikimedia Commons).
Trong văn
hóa truyền thống, cuộc phán quyết giữa thiện và ác nhắc nhở chúng ta
rằng: lựa chọn thiện hay ác của con người sẽ quyết định vận mệnh cuối
cùng của cuộc đời họ. Chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật cổ điển
giúp ta gột rửa tâm hồn và hướng thiện. “Sự phán quyết cuối cùng” của
Michelangelo đã được gìn giữ cho đến ngày nay, khán giả đến xem đều
không ngớt lời khen ngợi, không chỉ vì kỹ năng vẽ tuyệt vời của người
họa sĩ, mà còn vì nội hàm mang ý nghĩa sâu sắc của bức tranh.
Có nhiều
lời tiên tri trong lịch sử Đông phương cũng như Tây phương đều đề cập
đến thời điểm thẩm phán cuối cùng, khi đó thiện và ác phân minh, trời và
đất được đổi mới. Người phương Tây đang chờ đợi Đấng Cứu Thế đến cứu
độ, và người phương Đông cũng mong chờ Đức Phật Di Lặc trong tương lai
(vị Chuyển luân Thánh Vương) hạ thế. Có thể thấy rằng, khi các vị Thần
tới thế gian, cái ác sẽ bị trừng phạt, cái thiện sẽ được đề cao, điều
này sẽ vượt trên mọi phán quyết của các nền văn hóa và tôn giáo. Làm
người thì điều trân quý nhất là biết tự ý thức bản thân, làm điều tốt,
tránh điều ác, mở đường cho tương lai.
Theo Khâu Thực, Epochtimes
Quỳnh Chi biên dịch
Quỳnh Chi biên dịch