Monday, December 15, 2014

CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG NƯỚC LÊN TIẾNG

Fr: Tweety Nguyen
22 tổ chức xã hội dân sự tuyên bố 2 vụ án tử hình oan
CN, 12/14/2014 - Theo tin VRNs,  22 tổ chức Xã hội Dân sự trong nước đã gởi tuyên bố về hai án tử hình oan của Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đến chính phủ và quốc hội VN, các tổ chức Nhân quyền quốc tế, các hãng thông tấn ngày 13 tháng 12.

Từ 6-7 năm nay, hai tù nhân là Nguyễn Văn Chưởng 31 tuổi và Hồ Duy Hải 29 tuổi, bị tòa án sơ thẩm lẫn phúc thẩm Việt Nam kết án tử hình, đã liên tục kêu oan và sống trong khắc khoải. Gia đình họ phải bỏ công ăn việc làm, thậm chí tán gia bại sản để đi đòi công lý cho người thân trong đau khổ và tuyệt vọng. Nỗi bất hạnh tột cùng này lên đến đỉnh điểm, khi bản án tử được thông báo sẽ thi hành cuối năm nay đối với Nguyễn Văn Chưởng, và có thể đầu năm tới đối với Hồ Duy Hải. Tin tức này cũng khiến công luận và báo chí đòi xét lại toàn bộ hai vụ án, vì có vô số điều phi lý, mâu thuẫn, mờ ám, oan ức do chính các luật sư, gia đình lẫn công luận nêu ra.
Trước những sự việc như trên, Bản tuyên bố nhận định, Việt Nam chỉ có tam quyền phân công chứ không phân lập, nền tư pháp hoàn toàn nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, chi phối toàn diện của đảng cộng sản, nhằm bảo vệ sự tồn tại của đảng bằng mọi giá, chứ không nhắm bảo vệ tính mạng và quyền lợi người dân.
Việc công an nhất quyết cho hai bị cáo là thủ phạm, dù giữa bản thân và gia đình họ với công an chẳng có tư thù, có thể lý giải bằng hai cách.
Sau thời gian không tìm ra thủ phạm, hoặc không tìm ra bằng chứng nơi kẻ bị coi là thủ phạm, lại bị áp lực đạt chỉ tiêu phá án để bảo vệ thành tích của đơn vị, công an đã bắt đại một người nào đó để kết tội, hay kết tội đại một người nào đó đã bắt. Viện Kiểm sát và công an là hai cơ quan cùng thuộc bộ tư pháp, dưới quyền chỉ đạo của cùng một đảng, nghĩa là có quan hệ người nhà. Cho nên việc kiểm sát giúp công an bảo vệ thành tích phá án là điều dễ hiểu.
Do đó 22 Tổ chức mạnh mẽ yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải xét lại toàn bộ hai vụ án và nhiều vụ án tử hình khác nữa. Không thể chấp nhận việc bắt người vô tội chết thế cho thủ phạm đích thật, hoặc đem sinh mạng dân đổi lấy thành tích cho ngành và giữ lấy quyền lực cho đảng. Đồng thời cũng kêu gọi quốc dân và quốc tế ý thức rõ ràng, để hợp lực xóa bỏ tình trạng một nhóm người chiếm độc quyền cai trị cả nước, tự tung tự tác hơn nửa thế kỷ, đang sinh ra những đám mafia thao túng tất cả các lãnh vực, từ kinh tế, văn hóa, chính trị đến tư pháp, bất chấp đạo đức lẫn công lý, lương tâm lẫn tình người. (Thanh Lan)