Joe Cocker,sắt có thần đá có hồn Tạp Chí âm nhạc RFI/ Thứ bảy, 27/11/2014
Nhắc tới Joe Cocker, đầu tiên hết người ta nghĩ đến một chất giọng cực kỳ khàn đục, một nét mặt nhăn nhúm như thần sắc đang khóc sầu với bài hát, hai bàn tay co quắp, cong queo như thân hình bị điện giật, sét đánh thình lình. Trên sân khấu, Joe Cocker hát như thể dâng hiến trọn tâm hồn mình, ông bộc lộ tất cả những cảm xúc thầm kín của một trái tim động kinh.
Cái chất giọng cực kỳ khàn đục ấy cuối cùng lại ra đi. Joe Cocker, ngôi sao blues rock người Anh vừa từ giã cõi trần hôm 22 tháng 12 vừa qua. Sau nhiều tháng lâm bệnh nặng, khiến ông không thể rời khỏi trang trại của mình ở bang Colorado, Hoa Kỳ, Joe Cocker đã qua đời vì chứng ung thư phổi, hưởng thọ 70 tuổi.
Cũng chính cái chất giọng khàn khàn ấy đã giúp cho Joe Cocker thành danh nhân kỳ liên hoan nhạc rock nổi tiếng Woodstock vào năm 1969. Khi hát lại các ca khúc của nhóm Tứ quái The Beatles (tiêu biểu là bài With A Little Help From My Friends), ông đã thổi một luồng sinh khí vũ bão hiếm thấy nơi những người chuyên hát nhạc blues thuần chất nhưng với phong cách dũng mãnh của nhạc rock.
Cùng với các nghệ sĩ như Janis Joplin, Jimi Hendrix, Jefferson Airplane, The Who, Santana, Grateful Dead… Joe Cocker đã viết lên những chương sách đầu tiên trong quyển tự điển nhạc rock, mở ra kỷ nguyên mới cho các showmen, lăn lộn trên sàn diễn như mãnh thú xổ chuồng, đốt hết bao sinh lực như cánh thiêu thân bay vào lửa … ông mở đường cho các ca sĩ da trắng mắt xanh hát nhạc soul (blue-eyed-soul).
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại Sheffield, thủ phủ vùng South Yorkshire, vương quốc Anh, Joe Cocker từ nhỏ học nghề thay vì học chữ. Tên thật là John Robert Cocker, nhưng gia đình ông vẫn đặt cho ông cái biệt danh là cao bồi Joe (Cowboy Joe). Khi lớn lên, ông đi làm kiếm sống nhờ nghề thợ hàn, chuyên sửa ống nước, nhưng đam mê đầu đời vẫn là sân khấu, ông bắt đầu đi hát từ năm 12 tuổi tại các quán bia quán rượu trong ban nhạc của người anh trai.
Từ lúc khởi nghiệp (năm ông 17 tuổi) vào năm 1961, ông lấy nghệ danh là Vance Arnold trong nhóm The Avengers. Sau đó, ông mới ký hợp đồng ghi âm và đi biểu diễn từ năm 1969, ông ghép một phần tên thật với cái biệt danh của ông thời còn bé thành Joe Cocker. Thời ông chuyên đi hát trong các quán rượu, ông thường xuyên biểu diễn các bài hát quen thuộc đối với công chúng, trong đó có bản nhạc rock và rythm and blue của Elvis, Chuck Berry Ray Charles.
Cái thói quen ấy có tác dụng y như một lò đào tạo tay nghề mà không cần phải qua trường lớp bài bản. Nhờ có kinh nghiệm sân khấu, Joe Cocker biết nắm bắt sự chú ý của khán giả để rồi hớp hồn người nghe, nhất là trong cái không gian đầy âm thanh tiếng ồn, lôi kéo sự quan tâm của giới bợm nhậu không phải là chuyện dễ. Những yếu tố đó tạo nên sở trường của Joe Cocker : ông chuyên hát lại (cover) những ca khúc nổi tiếng, nhưng ông hát với phong cách của riêng mình, tức là không bao giờ giống với nguyên tác : chất giọng trầm đặc men rượu, cổ họng đục khàn khói thuốc.
Lúc mới vào nghề, Joe Cocker đã giúp phổ biến trường phái gọi là skiffle, một loại nhạc folk hoà quyện với country, blues, jazz nhưng ngoài các nhạc khí thông dụng như đàn ghi ta, banjo hay mandolin, còn cho thêm vào những âm thanh nhạc khí chế biến từ các đồ gia dụng, muỗng sắt, dùi gỗ, hộp trà bằng thiết … Nghệ sĩ Lonnie Donegan là gương mặt tiêu biểu nhất của dòng nhạc skiffle, trước khi nhường chỗ lại cho phong trào British Blues Boom đầu những năm 1960.
Tương tự như các nghệ sĩ nhạc jazz, Joe Cocker lấy một giai điệu quen thuộc để rồi từ đó biến tấu, pha thêm chất mộc của blues, sắc thô của rock. Sau liên hoan Woodstock, ông lưu diễn với ban nhạc The Who, cộng tác với nhạc sĩ Leon Russell, để lại dấu ấn quan trọng trong bộ phim tài liệu về nhạc rock Mad Dogs and Englishmen. Thành công trong năm năm liên tục nhờ tài nghệ biểu diễn, đạt tới đỉnh điểm nhờ nhạc phẩm You Are So Beautiful, một trong những bản nhạc hiếm hoi do chính Joe Cocker sáng tác cùng với Billy Preston vào năm 1974.
Nhưng sinh khí của ông dần dần hao mòn với men rượu và các chất kích thích như bạch phiến. Các thần tượng của Woodstock như Jimi Hendrix và Janis Joplin đều đột ngột từ trần do dùng thuốc quá liều, Joe Cocker ngày càng đuối sức, không thể hát suốt một buổi biểu diễn. Ông bắt đầu cuôc hành trình băng qua sa mạc trong vòng 7 năm liền. Vào giữa những năm 1970, danh ca Joe Cocker bị soán ngôi vào cái thời thịnh hành, trỗi dậy của các nhóm nhạc rock phiêu diêu cứng cựa : Pink Floyd, Genesis, Santana đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, dành lấy ngôi vàng bỏ trống …
Từ đầu những năm 1980 trở đi, phim ảnh tạo cơ hội cho Joe Cocker trở lại dưới ánh đèn sân khấu. Bản song ca Up Where We Belong ghi âm với ca sĩ Jennifer Warnes cho bộ phim ''Officer and Gentleman'' với Richard Gere trong vai chính và nhất là bài You Can Leave Your Hat On (nguyên tác của Randy Newman trở thành bản nhạc chủ đề của bộ phim ''Nine ½ Weeks'' của đạo diễn Adrian Lyne) với những cảnh quay vô cùng nóng bỏng với cặp diễn viên Kim Basinger và Mickey Rourke. Hai bản nhạc phim này giúp cho Joe Cocker xuất hiện trở lại trong vai trò của một crooner tứ tuần, bao sự vấp ngã, chìm sâu chạm đáy giúp cho giọng ca này vực dậy mạnh mẽ hơn. Lối diễn đạt của ông càng thêm chín muồi dày dặn, quằn quại chiều sâu, khắc khoải thần sầu.
Cũng chính với cách diễn đạt ấy mà Joe Cocker biến ca khúc vốn đã nổi tiếng của Ray Charles (người mà ông hằng ngưỡng mộ từ thuở thiếu thời) thành một bản tình ca bất tử. Khi ghi âm bài Unchain My Heart (1987), Joe Cocker không chỉ đơn thuần nói về việc giải thoát con tim khỏi ách nô lệ của tình yêu mà còn là đề cập đến kinh nghiệm khổ đau bản thân, khi ông phải tự cởi trói, bứt đứt gông xiềng của một con người thiếu tự do, mất tự chủ. Sự lệ thuộc vào rượu chè, ma túy biến thành nỗi ám ảnh dày vò tâm trí khôn nguôi, khiến cho Joe Cocker lúc nào cũng cảm thấy mình bất hạnh đau khổ, do đánh mất khả năng tận hưởng niềm vui giản dị bình thường, cảm tình mộc mạc chân phương …
Từ đầu những năm 1990, Joe Cocker ghi âm đều đặn, đa phần các ca khúc là những bản cover, nhưng nhờ vào lối chơi phá cách nhịp điệu, cộng với lối diễn đạt biến tấu, phiên bản của Joe Cocker nhiều khi trở nên nổi tiếng hơn so với các bản gốc. Tính trong gần nửa thế kỷ sự nghiệp, ông cho ra mắt 22 album : sự thành công không nhất định, nhưng chất lượng lại liên tục đồng đều.
Tạp chí chuyên ngành Rolling Stones xếp ông vào danh sách 100 giọng ca hay nhất mọi thời đại, ông được trao tặng huân chương cao quý Order of the British Empire, dù rằng ông không còn sống tại vương quốc Anh mà lại định cư tại bang Colorado. Thành phố Sheffield, nguyên quán của ông, có dựng một tấm bảng để ghi nhớ tay thợ hàn ống nước thuở nào lại trở thành một trong những nhân vật lẫy lừng nhất dòng nhạc soul và blues.
Vào tháng 9 vừa qua, do biết ông đang lâm bệnh nặng, cho nên nam danh ca Billy Joel đã ngỏ ý đề nghị đưa tên tuổi của Joe Cocker vào Đại sảnh Danh vọng (Rock and Roll Hall of Fame). Chưa đầy 3 tháng sau, Joe Cocker qua đời ở tuổi 70 vì chứng bệnh ung thư nan giải. Một trong những huyền thoại cuối cùng của Woodstock cũng vĩnh viễn ra đi, để lại một dấu ấn khó phai, sắt thép mà có thần, chai sạn mà có hồn.
Joe Cocker: Fire it Up Live (Cologne, 2013)