Saturday, December 13, 2014

NỮ QUYỀN TRONG VĂN HỌC MIỀN NAM VIỆT NAM

Fr: http://khoahocnet.com/

“Ý thức nữ quyền trong tác phẩm của các nhà văn nữ từ 1954 đến 1975″

                                     Trịnh Thanh Thủy

Bài nói chuyện trong buổi “Hội Thảo 20 năm văn học Miền Nam Việt Nam”
frauenrechtGần đây, có lẽ nhiều người trong chúng ta từng nghe nói đến giải Nobel Hoà Bình năm nay được trao cho hai người, một Ấn Độ và một Pakistan. Họ đều là các nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. 


Người thứ nhất, Ông Kailash Satyarthi là một kỹ sư điện Ấn Độ, 60 tuổi, từng đấu tranh hỗ trợ cho các trẻ em và phụ nữ, những người làm việc tại các nhà máy Ấn Độ như những kẻ nô lê. Họ bị bóc lột sức lao động và là nạn nhân của bạo lực cũng như tấn công tình dục.

Người thứ hai, Malala Yousafzai là một cô gái người Pakistan, 17 tuổi, người trẻ nhất của lịch sử giải Nobel trong hơn một trăm năm vừa qua. Năm 16 tuổi, cô bị một nhóm người Taliban nả súng vào đầu cũng chỉ vì cô đấu

tranh cho 31 triệu bé gái trên thế giới được đi học.
Họ tưởng đã làm cô bặt tiếng nhưng họ đã lầm. Cô vẫn sống như một phép lạ. Và từ sự im lặng đó hàng nghìn tiếng nói khác đã cất lên, những sức sống mãnh liệt đầy dũng cảm được ra đời.
Tôi tự hỏi, động cơ nào đã khiến một cô bé gái từ năm 11 tuổi đã tranh đấu cho nữ quyền, đã không sợ bất cứ quyền lực nào, cái chết và sự trả thù. Tại vì người Taliban đã cấm không cho người nữ được cắp sách đến trường. Họ muốn bịt mắt, bịt miệng, che tai, mù loà đầu óc phụ nữ ngay khi họ còn là đứa bé. Chỉ khi bị bịt miệng người ta mới biết mình cần được nói. Bị bịt mắt người ta mới thấy ánh sáng là cần thiết. Bị mù loà tâm trí người ta mới cần cắp sách đến trường để khai thông trí tuệ, học hỏi điều hay lẽ phải. Sức mạnh của giáo dục rất cần thiết cho mọi con người.
Quý vị có bao giờ đặt câu hỏi tại sao Kailash là một người nam, lại đứng ra tranh đấu cho phụ nữ và trẻ em?. Tại họ bị bóc lột sức lao động, bị hãm hiếp không thương tiếc trong khi chính quyền đang tâm làm ngơ và coi thường rẻ rúng người phụ nữ. Phụ nữ là ai, họ là em, là chị, là mẹ, là bà của chúng ta, họ cũng là những bè bạn, người thân ruột thịt chúng ta hằng yêu mến. Tranh đấu và bênh vực cho họ chính là tranh đấu cho nhân quyền, tranh đấu cho quyền làm người của họ và cũng là tranh đấu cho chính chúng ta.
Qua câu chuyện trên chúng ta nhận ra được, ngày nay, ảnh hưởng của ý thức nữ quyền rất sâu rộng. Ở mọi lãnh vực, giới tính, mọi lứa tuổi, màu da, cũng như đẳng cấp xã hội.
Bây giờ, ngược dòng lịch sử, chúng ta thử nhìn xem ý thức nữ quyền ảnh hưởng trong tác phẩm của các nhà văn nữ từ 1954 đến 1975 ở Miền Nam VN như thế nào.
Nhắc đến các nhà văn nữ ở thời điểm đó, cá nhân tôi không khỏi tự hào về họ. Những người nữ đã bắt đầu biết sử dụng ngòi viết của mình để bày tỏ lập trường cá nhân. Họ viết và tư duy như một phụ nữ. Ý thức nữ quyền khiến họ nói lên được những quan điểm riêng, và xác định được vị thế cũng như cung cách sống của mình trong xã hội. Họ bắt đầu nhận thức về vai trò, giới tính cùng những khái niệm nhân bản của mình. Họ viết để giải toả sự lạc lõng và cô đơn. Họ tìm sự cảm thông và chia sẻ nơi độc giả. Họ vươn cao, tìm kiếm tự do, cố gắng thoát khỏi sự bao vây nhận chìm của cấu trúc quyền lực truyền thống có tính cách bộ tộc, và cả văn hoá Khổng-Nho.
Họ, không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh. Đó là một quan niệm nghệ thuật về con người là sinh vật cô đơn trong một thế giới phi lý. Nhà văn Nguyễn thị Hoàng là một thí dụ điển hình. Những nhân vật nữ trong tác phẩm của bà lúc nào cũng ở trong một tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới hình như là vô nghĩa. Họ lang thang bất định, xa rời với phận sự gia đình, luôn khao khát đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật như thế đều được tìm thấy trong các tác phẩm “Tuổi Sài Gòn, Vực Nước Mắt, Tiếng Chuông gọi người tình trở về”.
Vốn dĩ phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, các nhà văn nữ đề cao quan niệm tự do luyến ái. Họ thừa hưởng ý thức nữ quyền do ảnh hưởng Simone de Beauvoir. Họ mon men đi vào những đề tài cấm kỵ như tình dục. Có người còn nổi loạn bằng cách đề cao tính dục, thân xác, vẻ đẹp của phụ nữ và coi trọng tự do cá nhân, cuộc sống riêng tư. Tác phẩm “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng ra đời như một cuộc nổi loạn, đạp đổ hàng rào luân lý, đạo đức truyền thống. Câu chuyện xoay quanh những suy tư dằng xé giữa tình yêu, tình dục và đạo đức của một cô giáo và anh học trò. Tác phẩm trở thành một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất thời ấy.
Vào thập niên 54 tới 75, quyền làm người của phụ nữ vẫn chưa được đánh giá đúng đắn. Trong nhiều quốc gia và xã hội họ vẫn còn được xem như các tài vật được buôn bán và trao đổi. Riêng ở Việt Nam có những người còn bị ngược đãi, bạo hành, cưỡng dâm, vùi dập và chịu mọi phục tùng trước sức mạnh của quyền lực. Quan niệm phụ nữ là một vật dục để thoả mãn nhục dục vẫn được lưu giữ trong đầu óc một số người thời đó. Trong truyện ngắn “Bí mật của rừng già” của Trùng Dương viết năm 1971, bà đã mô tả một nhân vật nam có tiền bạc quyền lực thích chiếm đoạt và làm tình với gái trinh, chỉ một lần rồi bỏ đi và tìm cô gái khác. Ông ta thú nhận cái cảm giác thích thú khi nhìn những giọt máu rỉ ra từ các màng trinh bị rách của các cô gái đáng thương. Sau đó ông ta đã cưỡng dâm một nữ tu từ ái trong một lần cô ta quá giang xe tới Đà Lạt. Số phận hèn mọn của người nữ tu kết thúc bằng một cái chết và đứa con gái gù lưng.
Câu chuyện kể trên, có thể có thật hay đã được Trùng Dương dựng nên từ hư cấu. Tuy nhiên nó là một thí dụ điển hình của những chuyện tương tự như thế ở xã hội VN thời bấy giờ. Nó xảy ra công khai hay được che chắn bằng tiền bạc hoặc những thế lực quyền cao chức trọng.
Thân phận nhỏ bé và mềm yếu của người phụ nữ càng hiển lộ khi họ rơi vào cuộc chiến. Vậy mà sau cuộc chiến họ là người có công trong việc tái lập trật tự gia đình, xã hội. Bàn tay của họ dịu dàng, nhẫn nhục, xoa dịu và chữa lành những vết thương ghẻ lở tàn dư của cuộc chiến. Người phụ nữ viết không phải để kể công trạng của họ thời hậu chiến, mà họ viết để kể lể sự bất hạnh, để tìm sự cảm thông, để bày ra ánh sáng những giọt nước mắt âm thầm đã nhỏ trong góc tối, của một kiếp đàn bà chịu đoạ đày. Họ viết bằng mực máu nhỏ từ tim.
Dưới ngòi viết của Nhã Ca, chiến tranh là những kinh hoàng, khốn khổ, lửa đỏ, nước mắt ngược xuôi. Cuốn, Giải khăn sô cho Huế của bà đã ghi được cơn hấp hối của Huế trong trận thảm sát Mậu Thân với hàng chục ngàn hài cốt dân Huế dưới những mồ chôn tập thể. Đâu cũng có nét hoảng hốt, chỗ nào cũng là người chết, kẻ bị thương. Tiếng vật vã, mẹ khóc con, vợ khóc chồng thê thiết, bi ai trong tiếng đạn phá, đại bác réo tơi bời. Có thể nói khi viết về chiến tranh, ngòi viết nữ bỗng chảy thành thể lỏng rấm rứt, thê lương. Đặc biệt hơn, dưới vai trò nạn nhân, bản năng người mẹ của phụ nữ trỗi dậy, họ như gà mẹ xù lông đối đầu với nanh vuốt diều hâu. Họ sẵn sàng hy sinh, dìu dắt và liều chết để bảo vệ con trẻ trước sự bạo hành của bất cứ bàn tay hung ác, quyền lực nào.
Có một số người viết nữ có khuynh hướng bung thoát khỏi tầm ngắm. Họ muốn bứt phá bức tường thành kiến xã hội, tả và viết về tình dục như một biểu trưng của nữ quyền. Trùng Dương đã tỏ rõ thái độ nữ quyền của mình trong tác phẩm “Miền chân trời”. Bà đã cho Diệu, nhân vật nữ của mình hành động, tư duy như một người nữ và cái tôi của người phụ nữ trong tình dục được thể hiện qua hành động “đòi nằm trên” trong cuộc chăn gối.
Túy Hồng với lối tả chân các cảm nhận đích thực, bà đã soi rọi những bí mật chìm sâu trong thế giới nhạy cảm của người nữ. Ngòi bút của bà đã đi những bước dài trong hành trình đi vào địa ngục hay thiên đường xứ “sex”. Những cuồng nộ và khoái cảm được tả tỉ mỉ trong một cảnh quan ân ái trong tác phẩm “Những sợi sắc không” tỏ lộ được nét nữ tính đặc biệt của người nữ trong lối viết về sex. Chúng ta sẽ không thể tìm được những điều này trong các tác phẩm của những nhà văn nữ sống tại miền Bắc trong thời điểm 54-75.
Lệ Hằng lãng mạn hơn, thần thánh hoá vũ trụ đàn ông bằng những cháy bỏng, khát khao, lúc nào cũng sẵn sàng chảy sáp trong tình dục cũng như tình yêu. Sự trữ tình và nồng nàn trong văn phong của bà khi nhắc tới dục tính khiến người đọc nghĩ tới những nhân vật nữ bị ẩn ức tình dục lâu ngày dồn nén, chỉ chực nổ bung khi có dịp.Tác phẩm “chết cho tình yêu” của bà đã tỏ lộ điều này.
Nguyễn Thị Thụy Vũ, đào sâu hơn vào những phân chia đẳng cấp, những áp bức bất công và số phận bi thương của phụ nữ trong xã hội bùn lầy nước đọng. Bà nói lên tâm sự cô đơn của các cô gái già. Bà viết về xã hội các cô gái buôn hương bán phấn, sinh hoạt của các gia đình với nhiều biến cố có liên quan đến thời cuộc và khúc quanh của lịch sử.Những tác phẩm “Khung rêu, Mèo đêm, Lao vào lửa” là những ray rứt, thèm khát yêu thương, tình dục được tâm sự, kể lể bằng ngòi viết nữ mà không người viết nam nào có thể có được.
Sự có mặt của các nhà văn nữ miền Nam VN từ thập niên 54 tới 75 tựa như sự hiện diện của những bông hoa rực rỡ, toả ra một mùi hương rất nữ tính, trong khu vườn văn học. Ý thức nữ quyền khi tiềm tàng, lúc sáng chói đã khiến người phụ nữ phải cầm viết. Chính vì văn chương cũng là một vũ khí quan trọng trong công cuộc That’s true literatugiải phóng chính mình và giải phóng cho nữ giới nói chung.
Trịnh Thanh Thủy