Friday, December 26, 2014

KIM JONG UN LIỆU ĐỨNG VỮNG ?

1) Internet Triều Tiên "chết liên tục": Ai là thủ phạm?

Triều Tiên vẫn đang tiếp tục chịu cảnh bị sập mạng Internet sau khi đã phục hồi sự cố này từ đêm 22/12.









Công ty Internet của Mỹ Dyn Research là đơn vị đầu tiên phát hiện mạng của Triều Tiên bị sập hoàn toàn trong vòng 9 tiếng đồng hồ ngày 22/12.

Dyn Research cho biết nước này đã bị mất liên lạc 2 lần trong một buổi sáng ngày 23/12 và lần sập mới đây nhất xảy ra khoảng 10h41. Và công ty này cũng đăng tải trên mạng xã hội Twitter rằng đến 11h12, mạng đã được khôi phục.
Triều Tiên có hơn 1.000 địa chỉ IP, tất cả các kết nối đều thông qua một nguồn duy nhất từ Trung Quốc và chỉ một số ít người trong giới thượng lưu mới được phép truy cập Internet.
Chính vì thế, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng việc thực hiện một vụ  tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào hệ thống mạng Internet của Triều Tiên không phải là việc quá khó khăn, vì thế không thiếu người có thể gây nên việc này.
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng sự cố sập mạng không phải là hậu quả của một cuộc tấn công và có thể là chủ ý của chính Triều Tiên. Hoặc vấn đề mạng có thể chỉ kéo dài đặc biệt của lỗi kết nối thông thường.

Dyn đăng tải trên mạng xã hội Twitter, đến 11:12, mạng đã được khôi phục.
Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng vụ tấn công ngày 22/12 là đòn đáp trả của chính quyền Mỹ sau vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony. Chính quyền Tổng thống Obama đã cáo buộc Bình Nhưỡng là chủ mưu gây ra vụ việc.
Dù Triều Tiên phủ nhận có liên quan nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa sẽ trả đũa thích đáng hành động của nước này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang tin của kênh truyền hình CNBC, kênh chuyên về thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ.Huỳnh Linh (lược dịch)

2) Nhật - Mỹ - Hàn ký thoả thuận đối phó với Triều Tiên

Hôm thứ Sáu (25/12), Bộ Quốc Phòng Nhật Bản tuyên bố, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang trong quá trình đi đến thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo về các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên
Do Nhật Bản nằm trong phạm vi tên lửa tầm trung của Triều Tiên, việc Nhật thu thập kịp thời tin tức tình báo từ quân đội Triều Tiên là rất quan trọng đối với nền an ninh quốc gia này.

Hàng rào dây thép gai được trang trí bằng quốc kỳ Hàn Quốc, ảnh chụp gần khu vực phi quân sự ngăn cách Bắc và Nam Triều Tiên ở Paju ngày 31/10/2014.
"Bắt đầu từ tháng 5, sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc nhất trí về tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin, cuộc thảo luận đã diễn ra ở các cấp độ khác nhau," một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát biểu trong một cuộc họp báo. Ông bổ sung: "Và bây giờ chúng tôi đang hướng tới giai đoạn cuối cùng để ký kết".
Trong khuôn khổ thoả thuận này, Hàn Quốc sẽ chuyển thông tin liên quan đến Mỹ, vì Seoul và Washington đã ký một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chia sẻ và bảo vệ thông tin tình báo, được gọi là Hiệp định Bảo mật Thông tin quân sự chung(GSOMIA). Sau đó, Mỹ tiếp tục chuyển thông tin đến Nhật Bản.
Nguồn tin Reuters cho hay, một hiệp định GSOMIA giữa Nhật Bản- Mỹ cũng được ký kết .
Một số người Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại về việc ký kết một hiệp ước an ninh với Nhật Bản. Bên cạnh mối bất hòa về thời kỳ chiếm đóng của Nhật trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945, mối quan hệ song phương cũng bị cản trở do quá trình tranh chấp kéo dài về chủ quyền đối với một nhóm các đảo nhỏ.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.Phương Lâm (lược dịch)

 3) Triều Tiên kêu gọi Nga “tẩy chay” phim The Interview
Ngày 25/12, tờ Interfax (Nga) đưa tin, Đại sứ quán Triều Tiên ở Moscow cho rằng cả thế giới nên cấm “ The Interview”, đồng thời cũng kêu gọi Nga không nên công chiếu bộ phim này của Mỹ.

Poster phim "The Interview" của hãng phim Sony
Theo Đại sứ quán Triều Tiên thì “The Interview” do hãng phim Mỹ Sony Pictures sản xuất là một bộ phim rất nguy hiểm, biện minh và cổ xúy cho khủng bố. Bộ phim này "tuyên truyền về những cách hèn hạ và độc ác để ám sát vị lãnh đạo của một nước có chủ quyền".
“Vì thế bất cứ nước nào cũng nên cấm bộ phim này được phép công chiếu”, họ nói thêm. “Hơn nữa, thật khó để tưởng tượng, ở một đất nước thân thiện và văn minh như Nga, lại công chiếu bộ phim về việc ám sát vị lãnh đạo của một quốc gia hữu hảo và có chủ quyền”.
Đại sứ quán Triều Tiên còn nhấn mạnh việc Mỹ không ngần ngại sản xuất và quảng cáo bộ phim này chứng tỏ họ là một nước đạo đức kém và xúc phạm người đứng đầu một quốc gia là hành vi rất sai lầm.
Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich thể hiện quan điểm cho thấy phía Moscow có thể hiểu được phản ứng của Bình Nhưỡng về bộ phim này.
Nội dung bộ phim xoay quanh câu chuyện của hai phóng viên người Mỹ đến Triều Tiên để thực hiện nhiệm vụ ám sát vị lãnh đạo nước này là Kim Jong Un.
Ban đầu, Sony đã hủy tất cả các buổi công chiếu The Interview ở Mỹ và cũng hủy buổi ra mắt bộ phim trên các phương tiện truyền thông vì bị đe dọa tấn công. Nhiều rạp lớn ở Mỹ cũng đã hủy buổi công chiếu bộ phim này.
Tuy nhiên, cuối cùng phim cũng ra mắt ngày 25/12 theo đúng kế hoạch nhưng chỉ chiếu ở hơn 300 rạp độc lập ở khắp nước Mỹ. Buổi ra mắt bộ phim cũng được chiếu trực tiếp.
Ngày 17/12, Anton Syrenko - Tổng Giám đốc công ty Walt Disney Studios Sony Pictures Releases cho biết The Interview sẽ được chiếu ở Nga ngày 29/1. Tuy nhiên, ngày hôm sau công ty đã thông báo việc phát hành bộ phim ở rạp chiếu phim của Nga sẽ hoãn vô thời hạn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Interfax - AVN (Nga). Interfax - AVN trực thuộc Interfax và cũng là hãng thông tấn duy nhất ở Nga chuyên đưa tin về an ninh và quốc phòng quốc gia. Huỳnh Linh (lược dịch)