Sunday, April 26, 2015

NGA : CUỘC SỐNG KHÓ KHĂN CỦA NGƯỜI VIỆT

Người Việt ở Nga: Khó khăn chồng chất khó khăn

Xem hình  Bên trong khu chợ Liu của người Việt vắng bóng người. (Thảo Nguyên)
Doanh Nghiệp Odessa 20/4/2015- Giá đồng Xanh (USD) nhảy múa từng ngày khiến việc kinh doanh buôn bán của người Việt gặp khó khăn, thậm chí ngừng trệ. Nhiều người Việt đã bỏ chợ để tìm kế sinh nhai trên những cánh đồng Nga. Nhưng mùa này, thời tiết chưa thuận lợi để gieo hạt, khó khăn chồng chất, đè nặng lên đôi vai người Việt ở nơi xứ xa…

Những biến động của đồng rúp trong nhiều tháng qua, cùng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, khiến nhiều người Việt đang kinh doanh tại Nga liên tưởng đến cuộc khủng hoảng đồng rúp năm 1998, khi đó lạm phát lên đến 84%. Nếu nhìn vào bữa cơm hàng ngày của người dân Nga trong vòng một tuần là đã có thể hình dung được những biến động đã tác động trực tiếp như thế nào đến đời sống của họ.
Nỗi đau phía sau câu chuyện phá sản
Người Nga đang cắt giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm. Hậu quả, những khu chợ buôn bán sầm uất trước đây của người Việt cũng thưa vắng bóng người mua lẻ.
Chị Hường, ở Trung tâm Thương mại Matxcơva ví von rằng: “Trước đây, chúng tôi thường nói vui rằng, “hôm nay như đi chợ người”, ý nói chợ đông ngịt người mua bán sầm uất, thì nay “cũng giống chợ người”, nhưng chỉ còn người bán ngồi đìu hiu trong những dãy hàng vắng khách”. Trong khi đó, người Việt có thói quen tích trữ, nhập hàng bằng đồng Xanh nhưng bán ra bằng đồng rúp, nên khi đồng rúp bị biến động, nhiều doanh nghiệp Việt đã bị lỗ nặng. Hàng hoá không bán được, bị tồn kho trong khi tiền “bốc hơi” mỗi ngày, rất nhiều doanh nhân Việt “hạng vừa” ở Nga đang ở trong tình trạng cạn vốn.
Anh Minh Doanh - buôn bán tại Trung tâm Thương mại Matxcơva cho biết: “Hàng hoá không bán được, hoặc bán với giá của đồng rúp, trong khi mọi thứ thuế, chi phí đều quy đổi ra tiền USD nên chúng tôi hầu như không có lãi. Nếu không nhập hàng mới về thì khách không thèm ngó ngàng đến cửa hàng, nhưng nếu cứ tiếp tục nhập hàng mà đồng USD cứ nhảy múa không lường như thế này thì chúng tôi vừa mất công, vừa mất tiền”.
Trong khi đó, các chủ hàng người Việt có tầm cỡ thì nay cũng đã hạn chế nhập hàng từ Trung Quốc vào Nga, để tạo thuận lợi hơn cho các công ty Việt Nam đang trực tiếp sản xuất hàng hoá ở Nga, trong đó có rất nhiều xưởng may. Từ lâu, các xưởng may người Việt đóng vai trò lớn trong việc cung cấp nguồn hàng may mặc cho các khu trung tâm thương mại. Tuy nhiên, chi phí giá thành đang tăng cao trong khi đầu ra gặp khó khăn, nhiều xưởng đã chấp nhận phải bù lỗ, cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có tiền để bù lỗ, “lấy ngắn nuôi dài”, nhiều xưởng may đã buộc phải phá sản.
Chuyển hướng sang nông nghiệp
Trong tổng số khoảng 200.000 người ở Nga, phần lớn là chạy chợ, còn lại số ít là học sinh, sinh viên và một số công tác trong những công ty, tổ chức của Nga. Tuy nhiên, khủng hoảng do Nga bị phương Tây trừng phạt đã không chừa một ai. Ngoài thương trường, khó khăn bủa vây lấy doanh nghiệp Việt. Còn trong những văn phòng, nhiều công ty, tổ chức ở Nga đã cắt giảm nhân sự, tinh giảm tối đa các hợp đồng dịch vụ và số phận của không ít người Việt đã bị leo lắt cùng với những chính sách này.
Một số người Việt bế tắc ở thành phố đã bỏ chợ đi về các vùng nông thôn Nga để tìm cách phát triển nông nghiệp. Dường như, cả người Nga và người Việt đều thấy rằng, thứ mà nước Nga cần nhất trong bối cảnh bị cấm vận là tự sản xuất các mặt hàng, thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu như trước đây. Trong đó, với nhu cầu tiêu dùng trong nước lớn mạnh, việc phát triển nông nghiệp, tự sản xuất, đóng gói thực phẩm sẽ là phao cứu sinh hiện nay.
Người Việt ở Nga trải qua những thăng trầm cùng xã hội Nga, sẵn có sự nhanh nhạy trên thương trường, cùng với sự chịu thương, chịu khó, đã không khó để nhận ra được sự thiếu hụt trên thị trường Nga. Nhiều doanh nghiệp lớn đã sẻ vốn, đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Mô hình của những người này là tự chăn nuôi, tự sản xuất. Họ thuê nông trại và thuê cơ sở để làm xưởng sản xuất thực phẩm, đầu tư trang thiết bị để sản xuất, đóng gói các sản phẩm từ đó cung cấp cho các chuỗi cửa hàng ở Matxcơva và các địa phương. Một số khác ít vốn thì tìm về vùng Volgagrat, nơi có thời tiết ấm áp hơn để thuê lại đất của nông dân Nga trồng rau, củ.
Còn với những người Việt nghèo khó, họ chỉ có thể tìm đến các vùng lân cận Matxcơva, thuê lại đất để trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, không đủ tiền để canh tác kiểu nhà kính, những người Việt này chỉ mới dám làm nông cầm chừng vì điều kiện thời tiết ở Nga hiện giờ đang khắc nghiệt.
Anh chị Hương - Lai, một trong số những người Việt như vậy cho biết, ở Nga hiện đang là mùa lạnh nên không thuận lợi cho việc gieo trồng. “Chúng tôi chỉ trồng trọt, chăn nuôi được trên những khoảng đất đủ điều kiện để che chắn. Chờ thêm một thời gian nữa, khi tiết trời ấm nắng lên, việc gieo trồng thuận lợi hơn, chúng tôi sẽ mở rộng thêm đất để canh tác. Nhưng cái việc bán mặt cho đất, bán lưng cho trời này cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống, chờ một ngày kinh tế Nga hồi phục” - anh Lai bày tỏ hy vọng.
Từ đầu năm 2015 đến nay, cộng đồng người Việt tại Nga đã ghi nhận những trường hợp rất đau lòng. Một số người Việt bị bệnh tật, đã không có đủ tiền để thuốc thang, chữa trị, có những người qua đời, nhưng gia đình không đủ tiền lo hậu sự… Hiện nhiều chương trình từ thiện được cộng đồng người Việt ở Nga kêu gọi và rất nhiều người tham gia.
Lê Hùng (Theo Dân Việt)
Nguồn:
http://doanhnghiepodessa.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2067193