Sunday, April 26, 2015

NHẠC PHÁP : RICHARD ANTHONY

Tưởng niệm ca sĩ Richard Anthony
Tuấn Thảo/RFI 25 tháng tư năm 2015
Tưởng niệm ca sĩ Richard Anthony
Thành danh từ năm 1959, Richard Anthony là một trong những người khởi xướng phong trào nhạc trẻ Pháp những năm 1960 (DR)
Làng nhạc Pháp vừa đánh mất một trong những tên tuổi quen thuộc của dòng nhạc trẻ những năm 1960. Nam ca sĩ Richard Anthony vừa qua đời trong tuần này vì bệnh ung thư, hưởng thọ 77 tuổi. Hầu hết các nghệ sĩ nổi danh cùng thời đều công nhận ông là một trong những người đã khởi xướng phong trào nhạc trẻ tại Pháp cách đây vừa vừa đúng nửa thế kỷ.

Tên thật là Ricardo Btesh, Richard Anthony sinh trưởng tại thủ đô Ai Cập, trong một gia đình có hai dòng máu, bố ông (Edgar Btesh) là một nhà kỹ nghệ người Syria gốc Do Thái, còn mẹ ông (Margaret Bey) là con gái của một quan chức ngoại giao Irak, làm việc tại Alexandria. Xuất thân từ một gia đình sung túc khá giả, Richard trải qua một tuổi thơ hạnh phúc êm ấm. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kênh đào Suez buộc rất nhiều gia đình ngoại kiều phải rời Ai Cập.
Các nghệ sĩ như Claude François hay Georges Moustaki trở về Pháp, còn Richard Anthony theo bố mẹ sang Anh. Sau 4 năm học ở Luân Đôn, ông đến định cư tại Paris đầu những năm 1950. Do gia đình ông không ngừng thay đổi chỗ ở, cho nên thời niên thiếu, Richard ít có bạn bè. Đổi lại cậu bé rất giõi về ngoại ngữ : mới 15 tuổi mà đã nói thạo 6 thứ tiếng, một yếu tố khá quan trọng cho sự nghiệp ca hát của ông sau này.
Sau khi tốt nghiệp tú tài, Richard Anthony ghi tên vào trường luật, nhưng ông lại bỏ học chưa đầy hai năm sau vì ông muốn đeo đuổi nghề sân khấu. Ông khám phá dòng nhạc Anh Mỹ tại các quán nhạc jazz. Năm ông tròn 20 tuổi, Richard Anthony lần đầu tiên được nghe ca khúc You Are My Destiny của ca sĩ Paul Anka. Ông mới có ý định phóng tác bài hát này sang tiếng Pháp, rồi tự bỏ tiền ghi âm ca khúc (Tu m'étais destinée - 1958) (1). Tuy bản nhạc không ăn khách trên thị trường Pháp, nhưng nó lại là bước khởi đầu sự nghiệp ca hát của ông. Richard Anthony thành danh từ đĩa nhạc ghi âm thứ ba trở đi (nhạc phẩm Nouvelle Vague được phóng tác từ bài Three Cool Cats) với hơn nửa triệu bản bán chạy trong vòng ba tháng.
Richard Anthony nổi tiếng cuối những năm 1950, mở đường thẳng tiến cho các thần tượng nhạc trẻ (phóng trào yé yé) chinh phục thị trường Pháp : trong đó có Johnny Hallyday, Eddy Mitchell, Jacques Dutronc, Christophe, Hervé Vilard phía nam, Françoise Hardy, Sylvie Vartan, Sheila, France Gall phía nữ. Ít ra là trong vòng 5 năm đầu, hầu hết các ca sĩ trẻ tuổi đều ít nhiều ứng dụng công thức sở trường của Richard Anthony : chuyển ngữ phóng tác các bài hát Anh Mỹ sang tiếng Pháp.
Có thể nói là thông qua các bản phóng tác, Richard Anthony là người đầu tiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho dòng nhạc twist du nhập vào nước Pháp. Johnny Hallyday nghiêng về phía nhạc rock trong khi Claude François triệt để khai thác nhạc pop.
Những năm đầu thập niên 60 dẫn đến một cuộc chạy đua giữa các ca sĩ : hầu như mỗi tuần, những bài hát đứng đầu bảng xếp hạng thị trường Anh Mỹ đều được gửi về Paris, các ca sĩ Pháp phải biết chọn bài cho hay, dịch lời cho khéo để có thể tung ra ‘‘hàng mới’’ trên thị trường đĩa nhựa (45 vòng), xu hướng này vài năm sau đó dần dà nhường chỗ lại cho một lớp nghệ sĩ trẻ biết sáng tác : trường hợp của Adamo với bài Tuyết Rơi (Tombe La Neige) vào năm 1963 và của Christophe với nhạc phẩm Aline, tình khúc mùa hè năm 1965
Về phần Richard Anthony, ông lập kỷ lục vào năm 1962, giành lấy ngôi vị quán quân thị trường Pháp trong vòng 21 tuần lễ liên tục nhờ tình khúc Et j'entends siffler le train (tạm dịch là Tiếng còi vĩnh biệt) phóng tác từ bài 500 Miles (Away From Home) của tác giả Hedy West. Richard Anthony lặp lại thành tích này trong nhiều năm liền sau đó, hầu như năm nào cũng có một bản nhạc của ông giành lấy hạng đầu bảng xếp hạng.
Đỉnh cao của thời kỳ này là vào năm 1967, khi ông phóng tác tổ khúc Tây Ban cầm của nhà soạn nhạc cổ điển Joaquin Rodrigo thành tình khúc bất hủ Aranjuez Mon Amour với sự đồng ý của chính tác giả. Nhờ bản nhạc này, sự nghiệp của Richard Anthony đạt đến tầm vóc quốc tế, bài hát chiếm hạng đầu thị trường Nam Mỹ, tạo thêm luồng sinh khí mới vì sau đó ông có ghi âm thêm nhiều bài hát tiếng Tây Ban Nha, kể cả bài Abrazame, với lời ca tiếng Pháp (là Embrasse Moi) khác với bản phóng tác Viens M’embrasser của Julio Iglesias.
Sau hơn một thập niên thành công, sự nghiệp của Richard Anthony có dấu hiệu khựng lại từ đầu những năm 1970 trở đi, thời kỳ đăng quang của giọng ca vàng Mike Brant, giai đọan huy hoàng của những tên tuổi lớn như Joe Dassin và Michel Sardou, đó cũng là thời kỳ chuyển hướng của hầu hết các nghệ sĩ xuất thân từ phong trào nhạc trẻ những năm 1960. Ca khúc ăn khách đầu tiên của Richard Anthony là bài Nouvelle Vague Làn sóng mới, nhưng dù có mạnh cách mấy, sóng mới cũng đến lúc phải thoái trào. Richard Anthony cùng gia đình sang Hoa Kỳ sinh sống một thời gian, các dự án ghi âm bắt đầu thưa thớt dần và không bao giờ ông tìm lại được một sức bật đủ mạnh để vực dậy.
Mãi đến năm 1998, nhân sinh nhật 40 năm sự nghiệp ca hát, Richard Anthony mới xuất hiện trở lại dưới ánh đèn sân khấu. Đa phần các ca khúc ăn khách của ông được ghi âm lại nhân dịp này, sau nhiều năm vắng mặt phòng thu. Richard Anthony sau đó tham gia vào vòng lưu diễn (mang tên là Âge tendre et Têtes de bois) của các nghệ sĩ vang bóng một thời. Trong vòng 5 năm liền ông đi hát khắp nước Pháp, nhưng vì lý do sức khỏe ông buộc phải gián đoạn hợp đồng biểu diễn vào năm 2010.
Sau 5 năm chữa trị, bệnh tình tưởng chừng đã qua khỏi, nhưng rốt cuộc lại làm cho ông phải ngã quỵ. Richard Anthony vĩnh viễn ra đi, để lại hơn 500 ca khúc mà trong đó đa phần là các bản phóng tác cực kỳ ăn khách. Nếu biết soạn nhạc, thì có lẽ sự nghiệp của ông sẽ càng huy hoàng hơn. Tuy công việc phóng tác (thường là với một nhóm tác giả) được xem như là sở trường của Richard Anthony, nhưng đến một lúc nào đó công thức này không còn hiệu nghiệm.
Dù gì đi nữa, cũng phải công nhận cái tài đặt lời của ông, trong cách sử dụng hệ thống ca từ hay hoán chuyển hình tượng, lời dịch thường thoát ý nhưng vẫn không phản nghĩa. Chẳng hạn như bài Blowin’ in the Wind (3)của Bob Dylan có hai phiên bản phóng tác tiếng Pháp, Écoute dans le vent (2) của Richard Anthony có phần hay hơn so với Dans le Souffle du Vent của Hugues Aufray. Nơi giọng ca này, đó là bí quyết ăn tiền trong hơn một thập niên liền.
                           1. Dalida  Tu m’étais destiné
                                                    tu m'etais destine
                               https://www.youtube.com/watch?v=sOtwy3vNRLQ
                   2. Richard Anthony  Ecoute dans le vent
                            ecoute dans le vent
                      https://www.youtube.com/watch?v=6nWi-qIGrvE
 

                            3. Blowin in The Wind - Bob Dylan

                                                       BLOWING IN THE WIND
                     https://www.youtube.com/watch?v=3l4nVByCL44