Monday, April 27, 2015

VÌ ĐÂU MÀ GIẤC MƠ Ô TÔ VN ĐÃ RA MÂY KHÓI ?

Giấc mơ ô tô Việt Nam dang dở: Thế hệ sau gánh vác! Xem hình

Kinh Doanh Odessa 27/4/2015- Đã đến lúc phải thừa nhận rằng, ước mơ về ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam không thể thực hiện ở thời điểm này, thế hệ này. Đó là bởi nguồn lực còn hạn chế.

Giấc mơ không thành
Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô hiện đại, trở thành thế mạnh của Việt Nam đã được nói suốt 20 năm nay. Thế nhưng, cũng như nhiều ngành khác, mơ ước ấy của Việt Nam mãi chưa thành hiện thực, đó là bởi nguồn lực còn hạn chế.
"Việt Nam đi sau về công nghệ, chiến lược kinh doanh..., thậm chí đi sau quá lâu. Hệ quả là kinh nghiệm xây dựng chiến lược và thực hiện chiến lược phát triển còn yếu. Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam mất bao lâu để làm được một chiếc xe? Mất bao lâu để làm được một bộ phận cấu thành nên chiếc ô tô đạt chuẩn quốc tế?
Về lực lượng lao động, trình độ và tay nghề lao động của Việt Nam quá yếu. Dù hệ thống máy móc hiện đại đến mấy đi chăng nữa nhưng không có lao động lành nghề, làm sao có thể vận hành?
Tại sao khi ra trường, để có thể làm trong những ngành công nghệ cao, người Việt Nam đều phải ra nước ngoài để đào tạo lại? Tôi có nhiều người bạn làm cho Toyota ở nước ngoài, họ có thể nắm bắt được rất nhanh nhưng tại sao khi về Việt Nam tay nghề lại lụi dần? Vì họ không có môi trường để phát huy năng lực. Rõ ràng đào tạo của Việt Nam có vấn đề.
Về những yếu tố cấu tạo nên công nghệ bậc cao của Việt Nam, người ta đã nói nhiều về việc Việt Nam đang có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ. Điều đó cho thấy, công nghệ du nhập vào Việt Nam có thể là công nghệ lạc hậu so với công nghệ hiện tại của thế giới", ông Sơn phân tích.
Ngoài ra, TS Nguyễn Ngọc Sơn còn chỉ ra nhiều vấn đề chi tiết trong ngành ô tô mà Việt Nam đang yếu và thiếu, như: các vấn đề liên quan đến độ an toàn, từ nguyên liệu đến các đường dây chạy trong xe...
"Nếu tôi có tiền, tôi thích mua xe nhập nguyên chiếc hơn là xe lắp ráp trong nước vì chất lượng tốt hơn, cảm giác an toàn hơn. Chưa cần nói tới câu chuyện vươn ra tầm khu vực, để khai thác thị trường trong nước bằng ô tô Việt Nam chưa chắc đã dễ. Điều đó vẫn chỉ là ước mơ của các doanh nghiệp gia công và lắp ráp ô tô ở Việt Nam".
Rào cản tiêu dùng cũng là một yếu tố cản trở việc phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Sơn chỉ rõ. Nếu sản xuất ra sản phẩm mà không bán được thì không thể phát triển, không thể bắt người tiêu dùng buộc phải mua xe Việt. Khi công nghệ không phát triển, tay nghề chưa lành nghề thì chi phí sản xuất tăng là điều bình thường.
Ông Sơn nhắc lại câu chuyện của Minh Trị Nhật hoàng, ông đã cử người Nhật đi học công nghệ, cách quản trị và cách xây dựng chiến lược kinh doanh, học cách quản trị và xây dựng một xã hội... Tất cả những con người ấy đã học lấy những cái tinh túy nhất rồi trở về phát triển và họ được trọng dụng.
"Muốn bằng người thì chúng ta phải có nhận thức, trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm... bằng với họ. Tuy nhiên, tất cả những yếu tố ấy, Việt Nam đều còn yếu. Đã đến lúc phải thừa nhận rằng, ước mơ về ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam không thực hiện được ở thời điểm này, thế hệ này. Hãy nhìn thẳng vào sự thật rồi đào tạo thế hệ sau thực hiện ước mơ đó", ông nói.
Nể phục Indonesia nhưng chưa chắc Thái Lan đã thua
Trong khi công nghiệp ô tô Việt Nam mãi lẹt đẹt thì Indonesia, dù cùng thời điểm xuất phát như Việt Nam, nhưng đến nay sản xuất ô tô đã trở thành xương sống của ngành công nghiệp Indonesia và được dự đoán sẽ soán ngôi vị số 1 về sản xuất ô tô ở Đông Nam Á của Thái Lan.
Lý giải điều này, TS Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, điều quan trọng nhất là Indonesia chú trọng đến đào tạo.
"Cách đây 20-30 năm, người dân Indonesia không biết tiếng Anh nhiều, thậm chí còn tệ hơn Việt Nam bây giờ. Các trường ở Indonesia khi ấy bị buộc phải dạy bằng tiếng Anh và nói bằng tiếng Anh. Cuối cùng, người dân Indonesia có thể nói tiếng Anh rất tốt, họ tiếp cận thứ ngôn ngữ đào tạo công nghệ cao và những thế hệ sau của họ đã thực hiện được ước mơ của thế hệ trước.
20 năm không phải dài với lịch sử một đất nước, chỉ có điều người ta có quyết tâm làm, có trao cho thế hệ sau những trách nhiệm và sứ mệnh lớn lao như thế không. Đối với Việt Nam, thế hệ hiện tại tốt nhất hãy đào tạo, tạo điều kiện cho thế hệ sau hơn là tự loay hoay rồi chẳng làm được gì cho công nghiệp ô tô".
Đối với Thái Lan, quốc gia có một thời gian dài là trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất Đông Nam Á nhưng giờ được dự đoán sẽ bị Indonesia soán ngôi, TS Nguyễn Ngọc Sơn cảnh báo chưa chắc đã phải như vậy.
"Khi ngành ô tô Thái Lan gần như đạt đến đỉnh cao thì những người mới như Indonesia sẽ có những chiến lược mới. Nhưng hãy cứ chờ, khi Indonesia soán ngôi, Thái Lan cũng có thể giật lại ngôi vị một cách dễ dàng vì khi ấy họ lại trở thành những người mới trong cuộc cạnh tranh quốc tế ấy và tiếp tục có nhiều cải tiến. Đừng vội nhìn thị trường thay đổi mà vội vàng kết luận ai thắng ai thua, dù nỗ lực của Indonesia đáng để chúng ta nể phục.
Trong cạnh tranh quốc tế có một nguyên tắc quan trọng là nguyên tắc lợi thế cạnh tranh và phát triển lợi thế cạnh tranh. Đông Nam Á là khu vực trẻ, mới và là khu vực kinh tế đi sau so với các khu vực kinh tế mạnh như Bắc Mỹ, châu Âu, các nước Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Khi đi sau, mỗi quốc gia sẽ tìm cho mình một con đường để cạnh tranh, nó càng rõ ràng thì càng dễ khẳng định mình. Tầm nhìn về kinh doanh quốc tế và cạnh tranh quốc tế sẽ quyết định. Indonesia hay Thái Lan đều nhìn được điều đó đó, họ tập trung vào các khu vực mũi nhọn và đánh vào thị trường khu vực.
Có thể công nghiệp ô tô của Indonesia chưa phải là mạnh nếu vươn ra khu vực toàn cầu nhưng so với khu vực thì rất mạnh. Vì họ có chiến lược đi từng bước thay vì đưa ra những ngôn ngữ văn hoa cho những bước đi ấy. Điều tất yếu dẫn đến sự thắng lợi của họ. Nhưng người Indonesia biết rằng, chiến thắng như thế chưa chắc đã thắng mãi. Còn Thái Lan sắp bị soán ngôi nhưng nền tảng của họ quá mạnh. Biết đâu có thời điểm Thái Lan và Indonesia sẽ liên kết với nhau, trở thành một liên minh đầy sức mạnh về công nghiệp ô tô", ông Sơn nói.
Quay trở lại Việt Nam, vị giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, Việt Nam đã bắc thang trèo lên ngọn cây thay vì phải làm cho gốc cây mạnh, tức chỉ lo lắp ráp, gia công mà không phát triển công nghiệp phụ trợ. Trong khi Thái Lan có đến 2.000 công ty sản xuất linh kiện, phụ tùng cho ngành ô tô nước này thì tại Việt Nam, số doanh nghiệp này quá ít, chưa nói đến chuyện chỉ làm những chi tiết đơn giản.
Bởi thế, một lần nữa TS Nguyễn Ngọc Sơn một lần nữa nhắc lại rằng, không thể nói công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại hay ước mơ về ngành công nghiệp ô tô là sai lầm, chỉ là chúng ta làm thế nào mà thôi.
"Chính sách kinh doanh, chính sách kinh tế của Việt Nam có vấn đề. Nó cũng nằm ở chỗ người đưa ra ước mơ về phát triển công nghiệp ô tô nhận luôn cả trách nhiệm hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp ô tô trong khi họ chưa đủ tầm nhận thức. Hãy để 5-10 năm nữa, khi nguồn nhân lực đi học hay làm việc ở các công ty ô tô nước ngoài về sẽ đem lại cho giá trị cho Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Lê Minh (Đất Việt)
Nguồn :
http://doanhnghiepodessa.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2067410