Saturday, January 31, 2015

CUỘC CÁCH MẠNG ROBOT TẠI NHẬT BẢN

Nhật Bản chuẩn bị cho "cuộc cách mạng robot"

clip_image002
Nhật Bản đang chuẩn bị cho "cuộc cách mạng robot". "Năm nay phải là năm khởi đầu của kỷ nguyên cách mạng robot.© Photo: ru.wikipedia.org/Yuichiro C. Katsumoto/cc-by-sa 3.0

Các công ty tư nhân và h thống nhà nước có nhiệm vụ thống nhất hợp tác thúc đẩy nhiệm vụ này trở thành hiện thực," - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố như vậy trong cuộc họp ủy ban đặc biệt do Nội các triệu tập. Theo kế hoạch của chính phủ Nhật Bản, tới năm 2020 khi Thế vận hội Olympic sẽ diễn ra ở Tokyo, đất nước phải thực hiện cuộc cách mạng phổ cập robot trong mọi lĩnh vực đời sống khác nhau như nông nghiệp, y tế, xây dựng…. Ngân sách dự trù đầu tư tới 2,4 nghìn tỷ yên (20,3 tỷ USD), tức lớn gấp 4 lần so với các chi phí hiện tại.
Chính sách thúc đẩy robot hóa bắt nguồn từ thực tế xã hội Nhật Bản nhanh chóng lão hóa, lực lượng lao động ngày càng giảm. Tỷ lệ lao động nhập cư thấp ảnh hưởng trầm trọng đến tình hình, buộc chính quyền lựa chọn những giải pháp không rập khuôn. Liệu robot có thể thay thế lao động nhập cư? Đài phát thanh Sputnik đã đặt câu hỏi này với Giáo sư Vasily Molodyakov, Đại học Takushoku, người đã sống nhiều năm ở Nhật.
 

 
 "... Lĩnh vực duy nhất mà theo tôi mục tiêu robot hóa thực sự có ý nghĩa lớn, là dịch vụ y tế. Đó là các công việc của nhân viên y tế trung cấp như chăm sóc bệnh nhân yếu, nằm bất động, những cụ già. Xã hội Nhật Bản thực sự đang già đi. Trong nước hiện có khoảng 50.000 người trên 100 tuổi, con số này tiếp tục tăng với tốc độ khá nhanh. Dĩ nhiên, có nhiều trường hợp cần tới sự chăm sóc đặc biệt. Ở Nhật Bản, công việc này vốn được đánh giá thấp dù có mức thù lao tốt. Một mặt, người ta tích cực tuyên truyền rằng đó là công việc tốt và rất cần thiết. Mặt khác, đây là hướng sáng chế rất được chú ý, người Nhật không ngừng phát minh và ứng dụng các loại thiết bị khác nhau để đơn giản hóa việc chăm sóc người ốm nặng và các trường hợp nằm liệt giường, thậm chí đã xuất hiện những robot thay thế người chăm bệnh nhân... Trong các lĩnh vực khác, vì robot có chi phí khá tốn kém, việc khai thác phải đảm bảo lợi nhuận bù đắp. Ngoài ra, thay thế người bằng robot trong các công việc quan trọng và nguy hiểm, được trả thù lao mức cao cũng là một khả năng hợp lý. Nhưng theo tôi, triển vọng robot hóa để bù đắp thiếu hụt lao động nhập cư còn khá mờ ảo... "
Trên thế giới, từ lâu robot đã được tích cực khai thác trong nhiều hoạt động công nghiệp, ví dụ lắp ráp ô tô, nơi con người thua kém robot về độ chính xác và hiệu suất. Giáo sư Nhật Bản Hiroshi Ishiguro Đại học Osaka chế tạo các robot hình người làm MC truyền hình, diễn viên và giảng viên. Thực tế đó chỉ là các thí nghiệm chứ không phải bởi nhu cầu cấp bách của xã hội.
Các kỹ sư không ngừng nâng cấp robot, làm cho chúng ngày càng thông minh hơn. Nhưng những cỗ máy được lập trình chưa thể xuất sắc hơn con người, nếu chúng không có khả năng tự suy nghĩ, phân tích và quyết định. Có nghĩa là sở hữu trí tuệ nhân tạo. Xét tới trường hợp các robot trợ lý giúp người bệnh và người già, sản phẩm thực sự có nhu cầu không chỉ ở riêng Nhật Bản. Phải hiểu rằng, số đông các đối tượng được phục còn rất cần sự giao tiếp thuần túy giữa con người, điều mà robot khó thể đáp ứng.
Nguồn: http://vietnamese.ruvr.ru/2015_01_31/282593777/