Sunday, January 4, 2015

TRUNG QUỐC : CHIẾN DICH ĐẢ HỔ ĐẬP RUỒI

Những vụ bắt giữ trong ngành viễn thông có thể gióng hồi chuông báo động đối với con trai của cựu Lãnh đạo Trung Quốc

Bởi: Matthew Robertson, Epoch Times 5 Tháng Một , 2015
Ông Giang Miên Hằng, một Đảng viên và là Phó Giám đốc Học viện Khoa học Trung Quốc, phát biểu tại một hội nghị vào ngày 16 Tháng Bảy năm 2005. (Học viện Khoa học Trung Quốc)
Đại Kỷ Nguyên-Ông Giang Miên Hằng, một Đảng viên, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Trung Quốc, phát biểu tại một hội nghị vào ngày 16 Tháng Bảy năm 2005. (Học viện Khoa học Trung Quốc)
Với việc bắt giam hai giám đốc điều hành cấp cao của China Unicom, chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc kéo dài hơn hai năm qua đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào lĩnh vực viễn thông. Ở Trung Quốc, chính trị tạo ra cơ hội kinh doanh, và những thay đổi trong bối cảnh chính trị lại mang đến những thay đổi trong kinh doanh.

Ngày 15 tháng 12, quan chức bị sờ gáy đầu tiên là ông Trương Trí Giang, tổng giám đốc xây dựng mạng lưới của Unicom. Một thông báo của Tân Hoa Xã cho biết ông đang bị điều tra bởi cơ quan chống tham nhũng do “vi phạm kỷ luật”. Sau đó, ngày 18 tháng 12, ông Tông Tân Hoa, tổng giám đốc đơn vị công nghệ thông tin và thương mại điện tử, lại bị điều tra, được cho là do ‘hối lộ’.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) gần đây cũng cáo buộc China Mobile, một trong những công ty viễn thông nhà nước lớn nhất, với tội danh ‘cướp của’ – đây rõ ràng là một tố cáo chính trị nhắm vào một công ty từ lâu đã có mối liên hệ với tập đoàn chính trị của cựu lãnh đạo tối cao Giang Trạch Dân.
Nếu chiến dịch này tiến triển như những vụ việc trước đây thì những vụ bắt giữ trên có thể chỉ là màn mở đầu với mục tiêu là các nhân vật nổi bật nhất trong lĩnh vực này, trong đó đặc biệt có con trai cả của nhà họ Giang, ông Giang Miên Hằng.
Quy mô chiến dịch chống tham nhũng hiện nay được xem là chưa từng có tiền lệ. Tân Hoa Xã tuyên bố trong tháng 6 có khoảng 80.000 quan chức đã bị điều tra. Vào tháng 10, hãng tin này công bố một danh sách bao gồm 55 quan chức cao cấp đã bị sa thải và phần lớn là các cộng sự gần gũi của ông Giang Trạch Dân.
Khi chiến dịch đang săn lùng một người nào đó, nó có xu hướng quăng một mẻ lưới rộng, và tất cả các mối quan hệ của mục tiêu đó sẽ bị điều tra, bắt đầu từ bên ngoài và không ngừng hướng vào trung tâm.
Khi lực lượng chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình mở chiến dịch nhắm đến ông Chu Vĩnh Khang, cựu giám đốc an ninh và cũng là đồng minh thân cận nhất của ông Giang Trạch Dân, họ trước tiên hạ bệ các cộng sự của ông Chu trong bộ máy an ninh, và lĩnh vực hóa dầu – nơi ông Chu bắt đầu giành được quyền lực và sự giàu có, và ở tỉnh Tứ Xuyên – cơ sở quyền lực đầu tiên của ông Chu.
Trước khi ông Từ Tài Hậu – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc và cũng là một đồng minh của ông Giang – bị thanh tra và bắt giữ, đã có một loạt các vụ bắt giữ trong quân đội, bao gồm cả cấp dưới của ông Từ như ông Cốc Tuấn Sơn.
Các vụ bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang và ông Từ Tài Hậu là những cơn địa chấn trên chính trường Trung Quốc. Một cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị như ông Chu được cho là bất khả xâm phạm, còn ông Từ Tài Hậu là một nhân vật then chốt trong quân đội quốc gia. Tuy nhiên, động thái chống lại Giang Miên Hằng sẽ còn gây chấn động lớn hơn nữa bởi vì anh ta là con trai của ông Giang Trạch Dân.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Giang Miên Hằng cuối cùng có bị tra vào còng và đưa ra vành móng ngựa hay  không. Nhưng nếu chính trị đã mang đến cho anh ta ưu thế vượt trội trong kinh doanh, thì bây giờ đây, sự thay đổi xu thế chính trị dường như chắc chắn là để cuốn trôi anh ta.

‘Luật lệ ngầm’

Trong những năm 1990, đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Giang Trạch Dân. Và khi ngành công nghiệp viễn thông thông qua cải cách, xây dựng mạng lưới điện thoại và cáp quang tối tân trên toàn quốc, ông Giang đã tìm cách để người con trai cả Giang Miên Hằng có được những gì béo bở nhất.
Trên các báo chí tiếng Trung ở hải ngoại, vốn được tự do báo cáo về những chuyến phiêu lưu kinh tế của quan chức Trung Quốc và các thành viên trong gia đình, ông Giang Miên Hằng thường được gọi là “Vua Viễn thông” của Trung Quốc vì những lợi tức và kiểm soát sâu rộng của ông trong ngành công nghiệp này.
Rất đơn giản: bất kỳ công ty lớn nào, nếu muốn hoạt động mà không gặp rắc rối gì từ chính phủ, cần phải tìm được một người hậu thuẫn chính trị.
Trình Hiểu Nông, cựu cố vấn chính trị Trung Quốc
“Rất đơn giản: bất kỳ công ty lớn nào, nếu muốn hoạt động mà không gặp rắc rối gì từ chính phủ, cần phải tìm được một người hậu thuẫn chính trị”, theo ông Trình Hiểu Nông, một cựu cố vấn cho các lãnh đạo Trung Quốc, người đã hoàn thành luận án của mình với đề tài chính trị trong các công ty quốc doanh Trung Quốc.
“Ở Trung Quốc, mọi thứ hoạt động thông qua các luật lệ ngầm. Ở phương Tây, các cổ đông có quyền giám sát các công ty, nhưng ở Trung Quốc thì không. Ai có sức ảnh hưởng thì họ thậm chí không cần đến cả cổ phần, bởi vì họ có thể bổ nhiệm các cán bộ quản lý cấp cao”.
Người hậu thuẫn chính trị–thuật ngữ Trung Quốc là “kaoshan,” theo nghĩa đen có nghĩa là “một ngọn núi để dựa vào” (kháo sơn)–cho một công ty viễn thông Trung Quốc mà sau này đã sáp nhập vào China Unicom (công ty đang bị giám sát) chính là ông Giang Miên Hằng.
Hiện tượng con cái của các nhà lãnh đạo hàng đầu kiểm soát khối tài sản khổng lồ – chia chác các phần trong nền kinh tế – đã được nhiều người nghiên cứu, mặc dù nhiều chi tiết của các giao dịch này vẫn còn trong bóng tối.
Con đường quyền lực của ông Giang Miên Hằng là một trường hợp điển hình, có thể lột tả được phương thức kinh doanh gắn liền với chính trị trong nền kinh tế Trung Quốc. Ông ta chỉ là một trong số rất nhiều các thành viên trong gia đình của các quan chức hàng đầu, được hưởng lợi từ những mối quan hệ quyền thế, đã kiểm soát một đế chế thương mại to lớn – đặc biệt trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, khi ông Giang Trạch Dân làm lãnh đạo, đã khiến nở rộ các doanh nghiệp gọi là “tư nhân” được vỗ béo bằng vốn đầu tư nước ngoài.

Một khởi đầu chóng vánh

Ông Giang Miên Hằng sinh ra ở Thượng Hải, theo học tại Đại học Phục Đán Thượng Hải vào năm 1977, chuyên ngành khoa học hạt nhân. Năm 1986, ông đến Mỹ để làm một luận án về kỹ thuật điện tại Đại học Drexel ở Philadelphia. (Theo Tạp chí Wall Street, ông được nhận vào trường này chỉ sau khi cha ông là ông Giang Trạch Dân liên lạc với ông Hun Sun, một giáo sư tại trường Drexel và là một bạn học cũ của ông Giang Trạch Dân, để nhờ “giúp đỡ”, ông Sun nói).
Sau khi trở về Trung Quốc năm 1992, ông Giang Miên Hằng bước vào con đường kinh doanh và chính trị. Thông thường, các quan chức cộng sản Trung Quốc bị tố cáo “thông đồng quan liêu với doanh nghiệp”, nhưng trường hợp của ông Giang Miên Hằng là một sự biến dị, “vừa là một doanh nhân, vừa là một quan chức”, như được mô tả trong hồ sơ về những năm đầu của ông Giang Miên Hằng bởi tạp chí Tân Thế Kỷ của Hồng Kông.
Đầu tiên, ông Giang giành quyền kiểm soát công ty  Shanghai Alliance Investment Ltd., viết tắt là SAIL. Công ty trên giấy tờ thuộc về chính quyền thành phố Thượng Hải, được thành lập vào tháng Chín năm 1994 – nhưng nhiều người biết đến nó qua cái tên đơn giản “công ty của Giang Miên Hằng”, theo báo cáo ở Trung Quốc vào thời điểm đó.
SAIL thay thế một công ty đầu tư thuộc quyền quản lý của thành phố, vốn được sắp đặt bởi ông Chu Dung Cơ, một nhân vật chính trị vừa-bạn-vừa-thù của ông Giang Trạch Dân (ông là thủ tướng phục vụ dưới quyền ông Giang). Được thúc đẩy bằng những mối quan hệ chính trị cấp cao của ông Giang Miên Hằng, SAIL huy động vốn và bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông trong thành phố. Nhưng công ty này vẫn còn nằm trong bí mật: không có lễ khai trương, không công bố kết quả kinh doanh, và không bao giờ công bố giám đốc điều hành.
Ông Wing-Chung Ho, một học giả Hồng Kông, giải thích tính chất chính trị trong vụ sắp đặt này như sau: “Năm 1994, ông Giang Miên Hằng không có kinh nghiệm trong quản lý, có lẽ cũng ít vốn và không có bằng cấp về tài chính. Hai thông tin này càng khẳng định cho một quan điểm phổ biến: sự thành lập của SAIL, với ông Giang Miên Hằng làm giám đốc, chủ yếu là do tiểu sử vương hầu của ông ta”.
Từ SAIL, ông Giang giành quyền kiểm soát gần 40% Tổng công ty Đầu tư thông tin Thượng Hải (Shanghai Information Investment Corporation), công ty sau đó đã được thành phố rót một phần trong 8,5 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, bao gồm cả dự án lớn “Shanghai Infoport”, theo cuốn sách ‘Cuộc cách mạng viễn thông của Trung Quốc’ của Eric Harwit. Công chúng không bao giờ biết được, làm thế nào mà công ty của ông có thể kiếm được vốn đầu tư lớn như vậy từ tài sản nhà nước.
Mặc dù trên giấy tờ ông Giang Miên Hằng chỉ là thành viên hội đồng quản trị của China Netcom, nhưng trên thực tế ông ta chính là người đứng đầu công ty.
Vị thế này cũng giúp ông Giang Miên Hằng có một ghế trong ban quản trị của China Netcom, vào thời điểm mà một công ty viễn thông nhỏ đã phải vật lộn để cạnh tranh với công ty nhà nước khổng lồ China Telecom, vốn kiểm soát hơn 80% thị trường điện thoại.
Trên giấy tờ, SAIL nắm giữ một phần ba cổ phần của China Netcom. Chủ tịch của Netcom là ông Edward Tian (tên Trung Quốc là Điền Tố Ninh), và những nỗ lực biểu hiện bình phong của ông được báo chí Tây phương xu nịnh ca ngợi, so sánh ông với cả  Steve Jobs và Bill Gates, được các giáo sư tại Harvard Business School lấy làm đối tượng nghiên cứu điển hình. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Bo Zhiyue, ông Edward Tian đã buột miệng tiết lộ điều mà nhiều người nghi ngờ: rằng ông Giang Miên Hằng là ‘người đứng đầu thực sự của công ty’.
Ông Ho, một học giả Hồng Kông, đã chứng minh ông Giang rất biết kết hợp khéo léo giữa quyền lực chính trị với kiểm soát doanh nghiệp nhà nước, trong một nghiên cứu năm 2013. Ngay sau khi giành quyền kiểm soát Netcom, ông Giang kiếm được một khoản đầu tư 300 triệu USD từ Goldman Sachs và Rupert Murdoch (rõ ràng vi phạm luật pháp Trung Quốc: cấm người nước ngoài nắm giữ vốn cổ phần trong các công ty viễn thông và công nghệ thông tin Trung Quốc).
Một nhân viên văn phòng đang nói chuyện bằng điện thoại di động trước logo của China Unicom ở Bắc Kinh vào ngày 05 tháng 1 năm 2012. Công ty đang bị cơ quan chống tham nhũng tiến hành điều tra. (Liu Jin / AFP / Getty Images)
Một nhân viên văn phòng đang nói chuyện bằng điện thoại di động trước logo của China Unicom ở Bắc Kinh vào ngày 05 tháng 1 năm 2012. Công ty đang bị cơ quan chống tham nhũng tiến hành điều tra. (Liu Jin / AFP / Getty Images)
Thành công này không là gì so với những sự kiện xảy ra tiếp theo: vào cuối năm 2001 và năm 2002, công ty nhà nước khổng lồ China Telecom bị chia đôi và cơ sở hạ tầng tại 10 tỉnh phía Bắc được giao tất cả cho China Netcom. Do đó, chỉ trong ba năm sau khi thành lập, China Netcom do ông Giang Miên Hằng phụ trách, đã trở thành công ty viễn thông lớn thứ ba ở Trung Quốc.  Năm 2004, công ty lên sàn Hồng Kông và New York. Ông Ho viết rằng: “Mặc dù ông Giang Miên Hằng thậm chí không làm giám đốc hội đồng quản trị, nhiều người tin rằng ông ta vẫn kiểm soát công ty.” Năm 2008, khi vẫn còn trên sàn chứng khoán, giá trị của China Netcom đã đạt tới gần 26 tỷ USD.

Cuộc chiến trên chính trường

Trong năm 2008, China Netcom sáp nhập vào China Unicom. Sau những tiết lộ nội bộ về sự tham nhũng của ông Giang Miên Hằng, được dẫn chứng bằng những điện báo rò rỉ từ Bộ Ngoại giao khoảng năm 2007, ông dường như mất tầm ảnh hưởng trong hệ thống. Tuy nhiên, không có hành động nào chống lại ông Giang Miên Hằng, và hiện vẫn chưa rõ là ông có đánh mất vị thế của mình trong ngành công nghiệp viễn thông hay không.
Ông Lục Ích Dân, chủ tịch của China Unicom, vẫy tay chào báo chí trong một buổi lễ tại Đài Bắc ngày 18 tháng 1, năm 2013. Ai cũng biết ông Lục là cựu thư ký của ông Tăng Khánh Hồng, người thao túng quyền lực trong Đảng cộng sản Trung Quốc, một thành viên chủ chốt trong mạng lưới chính trị của ông Giang Trạch Dân. (Sam Yeh / AFP / Getty Images)
Ông Lục Ích Dân, chủ tịch của China Unicom, vẫy tay chào báo chí trong một buổi lễ tại Đài Bắc ngày 18 tháng 1, năm 2013. Ai cũng biết ông Lục là cựu thư ký của ông Tăng Khánh Hồng, người thao túng quyền lực trong Đảng cộng sản Trung Quốc, một thành viên chủ chốt trong mạng lưới chính trị của ông Giang Trạch Dân. (Sam Yeh / AFP / Getty Images)
Giám đốc điều hành hiện tại, chủ tịch của China Unicom không ai khác chính là ông Lục Ích Dân. Theo trang web của China Unicom, ông Lục có 13 năm đảm đương chức Thư ký Công sảnh Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – một địa vị chính trị rất nhạy cảm.
Ai cũng biết ông Lục là thư ký lâu năm của ông Tăng Khánh Hồng, tay sai đắc lực của ông Giang Trạch Dân. “Thư ký” là một phần rất quan trọng trong hệ thống cộng sản Trung Quốc – họ quản lý sự vụ của người đỡ đầu chính trị, bao gồm cả tài sản, bất động sản, hối lộ, và đường dây. Và họ biết cả những điều bí mật nhất.
Theo luận án tiến sĩ năm 2005 của ông Thanh Duẩn, cơ cấu trong ngành công nghiệp viễn thông vào thời gian cuối năm 1990 và đầu những năm 2000 “phần lớn là cuộc chiến gay cấn, giành thị phần giữa những nhân vật thân tín của ông Giang Trạch Dân và các thuộc hạ của ông Lý Bằng”. Ông Lý Bằng là nguyên Thủ tướng Trung Quốc.
“Các nhân vật trong Đảng chiến đấu quyết liệt để bảo vệ lãnh địa của mình và ngăn chặn việc di dời khỏi biên chế hiện có,” theo ông Thanh viết. “Các quan chức chia bè kết phái vì danh lợi cá nhân cũng như vì lợi ích tổ chức”.
Sự tan vỡ của China Telecom, trong bài luận văn này, tuân theo logic đơn giản là do cuộc đấu tranh quyền lực giữa các gia đình quý tộc cộng sản.
Các doanh nhân và những người quan sát Trung Quốc đang theo dõi xem, liệu các vụ bắt giữ ở China Unicom có đang gióng lên hồi chuông rung chuyển ngành công nghiệp này hay không./.