Cô gái gốc Việt được mời dự buổi Thông Điệp Liên Bang
Kathy Phạm và người mẹ bị bệnh ung thư bạch cầu cấp tính vui mừng trong ngày vô hóa trị cuối cùng. (Hình: Kathy Phạm)Hai mươi hai vị khách được mời đến tham dự buổi nói chuyện Thông Điệp Liên Bang của tổng thống Obama vào tối Thứ Ba, 20 Tháng Giêng và ngồi cạnh bà Michelle Obama. Đặc biệt, trong số đó, có một cô gái là người gốc Việt, Kathy Phạm.
Theo AP cho biết, đây là truyền thống doTổng thống Ronald Reagan thực hiện đầu tiên vào năm 1982. Những người khách được tổng thống mời đến là những người có câu chuyện nổi bật, ảnh hưởng đặc biệt đến chính sách đời sống xã hội. Họ sẽ được vinh dự ngồi kế đệ nhất phu nhân trong suốt bài phát biểu của tổng thống Mỹ.
Các tổng thống kế vị của Hoa Kỳ sau này đều thực hiện truyền thống này mỗi năm.
Đặc biệt, trong nhóm khách mời cho buổi phát biểu truyền thống năm nay, có một cô gái gốc Việt, Kathy Phạm.
Kathy Phạm, ở Washington, D.C, là một chuyên gia về máy tính làm việc cho chính phủ. Công việc của cô Phạm là cải thiện công nghệ thông tin y tế, mở rộng quyền lợi cho các cựu chiến binh và cải thiện cách thức chính phủ Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ cho các gia đình người dân.
Theo nguồn tin từ AP, Kathy Phạm, người có người mẹ đang được điều trị ung thư theo luật chăm sóc sức khỏe mới của Hoa Kỳ. Anh trai của cô, người được nhận 'Purple Heart' cho thành tích phục vụ ở Afghanistan. Purple Heart được trao cho các thành viên của quân đội Mỹ bị thương trong chiến tranh.
Kathy Phạm là kỹ sư phần mềm và nghiên cứu về giao diện sử dụng điện toán cho hệ thống giáo dục, phân tích dữ liệu. Cô có quá trình làm tư vấn cao cấp cho hãng điện toán IBM, chuyên viên dữ liệu của Google.
Ngoài ra, cô cho biết mình rất đam mê trong lĩnh vực nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe.
“Tôi yêu thích làm việc trong một đội ngũ chuyên nghiệp và năng động, thích khám phá thế giới và những nền văn hóa khác nhau. Đặc biệt, tôi thích gặp gỡ nhiều người, nói về những câu chuyện của dữ liệu, khám phá làm thế nào công nghệ có thể thay đổi và cải thiện cuộc sống của con người. Tôi yêu thích việc sáng tạo ra những công thức trong công nghệ điện toán, và cả công thức nấu ăn.” Kathy Phạm giới thiệu về mình trên trang mạng xã hội chuyên nghiệp của cô.
Kathy cho biết hạnh phúc của cô là làm cho người khác mỉm cười và cô luôn “nghĩ về những giấc mơ thay đổi thế giới”.
Chính vì vậy, “Tôi hạnh phúc khi tôi có thể sử dụng các kỹ năng công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề và tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống,” cô nói.
Kathy Phạm còn sáng lập một trang web mang tên http://www.teammamapham.org/. Từ chính thời gian chữa trị của mẹ cô, người mắc bệnh ung thư bạch cầu cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukemiaung - ALL), Kathy Phạm làm trang web này để cung cấp tất cả những gì liên quan đến quá trình phát bệnh, chữa trị và đẩy lùi nó. ALL là một dạng của ung thư bạch cầu và có thời gian phát bệnh rất nhanh. Theo một tài liệu của tổ chức ung thư thế giới, mỗi năm, thế giới có khoảng 5 ngàn người mắc phải căn bệnh này.
AP đưa tin, nhóm người được mời năm nay bao gồm phi hành gia Scott Kelly, người đang chuẩn bị thực hiện chuyến bay vào vũ trụ vào Tháng Ba, kéo dài một năm. Đây là thời gian lâu hơn bất kỳ phi hành gia nào của nước Mỹ.
Phi hành gia Scott Kelly, một trong những khácg mời ngồi cạnh đệ nhất phu nhân trong buổi nói chuyện của ông Obama. (Hình: APexchange)
Trong số các nhân vật được mời năm nay, có tám người đã viết thư cho tổng thống Obama. Trong đó có bốn vị đã được mời đến ngày phát biểu truyền thống này vào năm ngoái.
Cũng theo AP, trong số khách mời, có ông Alan Gross và phu nhân là bà Judy. Ông Gross là cựu nhà thầu liên bang bị bắt ở Cuba vào năm 2009. Vợ của ông và những người khác nói rằng ông đã thiết lập hệ truy cập mạng lưới điện toán cho một nhóm nhỏ cộng đồng Do Thái trên quần đảo cộng sản. Ông Gross được phóng thích vào tháng vừa rồi, khi tổng thống Obama khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba.
Cũng theo AP, người ngồi sát bên đệ nhất phu nhân Michelle Obama năm nay là Laeey Merlo, người quản lý cao cấp nhất của chuỗi nhà thuốc CVS Health. Năm vừa qua, CVS Health đã ngưng bán xì gà, các loại thuốc lá trong hệ thống cửa hàng CVS Health. Đây là một quyết định được bà Obama rất hoan nghênh. Đệ nhất phu nhân là một người từng hút thuốc lá và thường nhai kẹo cao su có chứa nicotine
Hãng thông tấn AP liệt kê tên những khách mời khác, một số người như:
- Marlik Bryant, Chicago, 13 tuổi. Marlik đã viết một lá thư gửi cho Santa trong dịp lễ Giáng Sinh để xin sự an toàn. Thay vì gửi lá thư đó cho North Pole, một tổ chức phi lợi nhuận đã gửi trực tiếp thư của cậu bé Marlik cho tổng thống Obama và ông đích thân trả lời cho cậu rằng “an ninh cũng là điều ưu tiên dành cho cậu”.
- Chelsey Davis, cư dân Knoxville, Tennessee. Cô Chelsey dự tính sẽ tốt nghiệp ngành Khoa Học Dinh Dưỡng, trường Pellissippi State Community College vào Tháng Năm. Cô đã được gặp tổng thống Obama khi ông có cuộc viếng thăm trường của cô, nói về dự án hai năm miễn phí dành cho sinh viên của Đại học cộng đồng.
- Tiến sĩ Pranav Shetty, Washington, DC, chuyên viên y tế khẩn cấp toàn cầu International Medical Corps, đối tác của Mỹ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Ông Shetty đã đến Liberia vào Tháng Tám năm ngoái và trở lại Mỹ vào cuối tháng trước. Cuối tuần này, ông Shetty sẽ quay lại Tây Phi.
Ngoài ra, có những nhân vật khác như: LeDaya Epps; Rebekah Erler; Victor Fugate; Jason Gibson; Nicole Hernandez Hammer; Katrice Mubiru; Astrid Muhammad...
*****
Gặp nam sinh Việt diện kiến Tổng thống Mỹ
Ngô Chí Long với phong cách chững chạc, chín chắn.Doanh nghi ệp Odessa 21-01.2015 Là sinh viên khoa Răng Hàm Mặt của Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), Long đã phát biểu những suy nghĩ của mình tại Myanmar khi được tuyển chọn kỹ lưỡng đại diện cho thanh niên Việt Nam tham gia “Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á”. “Xúc động và tự hào là cảm xúc hiện hữu trong em khi được là đại diện thanh niên Việt Nam diện kiến Tổng thống Mỹ Obama” - Ngô Chí Long - sinh viên ĐH Y Dược (ĐH Huế) chia sẻ.
Trước đông đảo “thủ lĩnh trẻ”, Long đã bày tỏ quan điểm của mình về sự phân biệt khoảng cách giàu nghèo do mở rộng phát triển nhanh và sự khác biệt về hệ thống chăm sóc sức khỏe giữa vùng nông thôn và thành thị.
Theo đó, giải pháp mà Long đưa ra là sinh viên học Y, sau khi ra trường phải có ít nhất 1 năm thực tập, làm việc tại các khu vực nông thôn, miền núi, sau đó mới quay lại trường để lấy bằng tốt nghiệp. Có như vậy mới được coi là xong một khóa học.
Khi được hỏi Long về việc sinh viên học Y đã mất 6 năm Đại học, giờ lại thêm một năm nữa thì có nặng quá không? Long vui vẻ nói: Để trở thành một bác sĩ giỏi, có chuyên môn, giàu y đức thì đó là thời gian cần thiết. Thực tế, sinh viên Nhật phải mất 7 - 9 năm, sinh viên Mỹ mất 8 năm,…mới ra trường.
Sáng kiến của em là là đưa sinh viên đi thực tập 1 năm ở các khu vực nông thôn - nơi còn rất thiếu thốn về hệ thống chăm sóc sức khỏe. Trên thực tế, khi về đây mới thầy việc một bác sĩ răng hàm mặt đi…đỡ đẻ là rất bình thường.
Khu vực này thiếu thốn về nhân lực, thiếu những bác sĩ có chuyên môn, vì vậy đời sống của họ càng khó khăn hơn. Sinh viên có thể đến đây để học tập kinh nghiệm, để biết mình phải cố gắng như thế nào, để có thể đồng cảm với những khó khăn của những người nghèo khó, và hơn thế nữa là góp phần sức lực của mình cống hiến cho đất nước.
Khi ấy, Đại sứ quán Mỹ đã đánh giá cao sáng kiến của Chí Long và coi đây là một vấn đề “dài hơi” không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều quốc gia khác. Cũng nhờ những tâm huyết của mình, Long đã được diện kiến Tổng thống Mỹ - Barack Obama.
Trúc Linh (Giáo dục & Thời đạ
***
Trải nghiệm của cô gái Việt Nam giành học bổng tại Liên Hiệp Quốc
Vượt qua những ứng cử viên nặng ký, Tôn Nữ Tường Vy là một trong 75 bạn trẻ trên thế giới giành được học bổng toàn phần tham dự Khóa học hè của UNAOC (United Nations Alliance of Civilizations – Tổ chức Liên minh các nền văn minh của LHQ) và EF (Education First) từ ngày 16 - 23/8/2014.
Tường Vy đã có những trải nghiệm đáng quý tại New York cùng những người bạn quốc tế. Cô bạn trẻ cá tính này đã chia sẻ khá nhiều điều thú vị từ khóa học về các lĩnh vực xây dựng hòa bình, doanh nghiệp xã hội, đàm phán và vận động chính sách.
Thế giới rất xa mà rất gần
Tôi nghĩ mình khá may mắn vì đã qua “ải visa Mỹ” khá dễ dàng, nhưng không phải ai cũng vậy. Trên facebook group, chúng tôi theo dõi từng ngày cập nhật tình hình xin visa của anh bạn ở Palestine ngay trong khu vực bị chiếm đóng. Cuối cùng bạn thất vọng thông báo không đi được.
Vậy là chúng tôi chung tay với bạn theo nhiều cách: Thảo luận về xung đột ở Gaza, trên newsfeed tràn ngập những hình ảnh và thông điệp hòa bình cho Gaza.
Trong lúc ở New York, chúng tôi tranh thủ thời gian viết các tấm bảng màu và chụp gửi về cho các bạn không có được visa: “Tụi mình luôn ở bên các bạn”, và chia sẻ những điều bổ ích mà chúng tôi học được. Qua những việc nhỏ ấy, chúng tôi đã xích lại gần nhau hơn và sự quan tâm lẫn nhau giúp cho khoảng cách địa lý không còn là vấn đề nữa.
Tinh thần trẻ
Một điều nổi bật trong khóa học, là đa phần các bạn tham dự đều là thành viên hoặc chủ các tổ chức xã hội dân sự. Chúng tôi có một buổi triển lãm về dự án cá nhân.
Tôi đã trình bày cho Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Thanh niên Ahmad Alhendawi về Câu lạc bộ Học thuật Lan tỏa tôi thành lập ở Tp. Hồ Chí Minh từ tháng 2/2014. Ông quan tâm đến cách chúng tôi tổ chức tự học với vai trò cá nhân được đề cao trong quá trình tự tìm hiểu, hướng dẫn, phản biện nội bộ và tổ chức đề tài học thuật hàng tháng.
Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, tôi là một trong số ít người may mắn được chọn để đặt câu hỏi cho Phó Tổng Thư ký UNAOC Jan Eliasson. Câu hỏi của tôi là làm thế nào thanh niên các quốc gia vốn có xung đột lâu dài với nhau có thể giảm bớt mối nghi kị và thù ghét, mà trong một số trường hợp lại vội vã và thiếu suy xét đa chiều.
Câu trả lời của ông Jan Eliasson là tập trung vào sức mạnh của truyền thông xã hội. Ông nhấn mạnh rằng tuổi trẻ có ba vũ khí: kiến thức, công nghệ và nhiệt huyết. Với mạng xã hội, người trẻ có thể bày tỏ thiện ý của mình để lan truyền đến cộng đồng, không những trong nước mà cả quốc tế.
Trong chuyến đi này, tôi đã có một cuộc gặp riêng với Tiến sĩ William F. Vendley, Tổng Thư ký tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình, trong buổi ăn trưa tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Sau khi gặp nhau tại một Hội thảo về Tôn giáo và ASEAN ở Thái Lan năm 2012, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên qua email. Hôm ấy, dù có chuyến công tác khẩn, nhưng bác vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian đến nói chuyện với tôi.
Bác muốn xem tôi trưởng thành thế nào, còn tôi muốn biết bác vẫn an toàn và khỏe mạnh khi phải đến những trận địa xung đột sinh tử gang tấc. Điều này khiến tôi rất xúc động. Mối quan hệ với những người có vị trí xã hội cao không nhất thiết phải được tạo nên bằng kỹ thuật ngoại giao, mà là sự chân thành và quan tâm thực sự về nhau.
EF Việt Nam và giấc mơ cho giáo dục
Trước khi đạt học bổng khóa học hè năm nay, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày được đặt chân đến thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Tuy không được chọn ở khóa học năm 2013, nhưng EF và UNAOC đã tạo động lực cho tôi không từ bỏ ước mơ khi ai cũng có cơ hội như nhau. Năm ngoái, tôi có một chút không tự tin về bản thân lắm khi được biết chỉ 100 người được chọn trong 20.000 đơn trên toàn thế giới, còn năm nay là 75/15.000.
Nhưng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi học bổng vì nhận thấy định hướng về giáo dục của EF Việt Nam giống với mình: muốn các bạn trẻ Việt Nam đều có cơ hội tiếp cận với một trong những nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới.
Biết tôi còn nhiều lo lắng vì chưa từng đến xứ cờ hoa, các anh chị bên EF Việt Nam đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về nước Mỹ, tổ chức UNAOC, EF và một số điều cơ bản để tham dự khóa học hè hiệu quả.
Hơn nữa, khi tôi ở New York, EF Việt Nam vẫn thăm hỏi, động viên và tôi cập nhật hàng ngày tình hình học tập của mình trong suốt khóa học. Có thể nói EF Việt Nam đã đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường trước khi đặt chân đến Mỹ cho đến sau khi trở về, để chuyến đi này thực sự hữu ích, hiệu quả.
Tôi tin rằng với sự tận tâm và tầm nhìn cho giáo dục, không chỉ EF Việt Nam mà còn nhiều tổ chức khác, sẽ là những người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ dám dấn thân, kết nối và đóng góp được nhiều hơn cho tương lai của Việt Nam.
An Huy (Theo Dân Trí)